NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Bảy Hồng Ân của Chúa Thánh Thần
24.05.2015 00:30

Bảy Hồng Ân của Chúa Thánh Thần

Chúng ta vừa cử hành ngày lễ Hiện Xuống, ngày Chúa Thánh Thần được cử đến với các Tông đồ. Nói đến Chúa Thánh Thần, truyền thống của Hội Thánh thường nhắc đến 7 hồng âncủa Ngài, được ban cho hết thảy mọi tín hữu để thánh hóa họ. Phải chăng, Chúa Thánh Thần chỉ có hay là chỉ ban bẩy ơn? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của truyền thống về bẩy ơn này; bẩy hồng ân ấy để làm gì ? Chúng ta cũng xét xem, liệu có các ơn huệ khác nữa không? Và sau cùng, phải làm thế nào để phân biệt giữa các hồng ân và các đặc sủng của Thánh Thần?

Nguồn gốc danh sách 7 ơn Thánh Thần

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nêu danh sách bẩy hồng ân của Chúa Tháh Thần: 'Ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn kính sợ Đức Chúa.' (GLHTCG số 1831). Danh sách này bắt nguồn từ sách ngôn sứ Isaia : 'Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.' (Is 11,1-3a).

Bản văn này chỉ nói đến sáu hồng ân, nhưng mà bản dịch phổ thông bằng tiếng La-tinh đã hai lần ghi nhận 'Ơn kính sợ Đức Chúa' (Ơn này còn được dịch là 'Ơn Hiếu Kính'). Thánh Ambrosio thành Milano, là người đầu tiên nói đến danh sách bẩy hồng ân Thánh Thần vào cuối thế kỷ thứ IV. Vào thế kỷ thứ IX, lúc sáng tác bản kinh nổi tiếng 'Xin Ngự Đến, Lậy Thánh Thần sáng tạo' (Veni Creator Spiritus), Chúa Thánh Thần được kêu cầu như là Đấng ban bẩy ân huệ. Hơn nữa, vào thế kỷ XIII, nền thần học kinh viện cùng với thánh Thomas Aquino, trong bộ 'Tổng Luận Thần Học', đã chính thức hóa danh sách các hồng ân này. Từ đó, danh sách này được lưu truyền, và được đặc biệt nhắc đến khi bàn về Bí tích Thêm Sức.

Bảy Hồng Ân Thánh Thần để làm gì?

Các hồng ân Thánh Thần được sách GLHTCG định nghĩa như là 'xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần' (số 1830). Nói cách khác, đây là sự hoàn toàn sẵn sàng mà Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị từ trong sâu thẳm cõi lòng ta, trước khi chúng ta ý thức và góp phần mình vào trong một hành động cụ thể; như thế, các ân huệ này là cội rễ của khả năng hành động của ta.

Những hồng ân này hoàn toàn là ân huệ và là đường lối sư phạm của Thiên Chúa, qua đó, Chúa Thánh Thần hành động để thánh hóa người ki-tô hữu, nghĩa là làm cho họ ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa vào lòng mình, để họ được biến đổi trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.

Các Thánh Giáo phụ đã sánh ví các hồng ân này như những cánh buồm của một con tầu. Chúa Thánh Thần hoàn thiện những sáng kiến của con người và đưa nó đến mức hoàn hảo vượt trên cả sức tưởng tượng của con người. Nhà thần học Jean-Michel Maldamé, nhắc lại rằng: 'Chúa Thánh Thần không phải là nguyên lý để cho con người thoát ly khỏi thế giới này, nhưng Ngài là sức mạnh để nhờ Ngài, con người biến đổi thế giới'.

Nhiều tác giả về đời sống thiêng liêng đã chú tâm đến sự tiến triển được biểu lộ qua danh sách liên tục các hồng ân Thánh Thần, và đã coi đó như là bẩy bước trong tiến trình nên thánh. Thánh Gregorio Cả đã diễn giải như sau: 'Ơn kính sợ Chúa giúp tăng trưởng ơn đạo đức; ơn đạo đức dẫn đưa tới ơn hiểu biết; ơn hiểu biết tìm được động lực trong ơn can đảm; ơn can đảm dẫn đưa chúng ta đến ơn biết lo liệu; ơn lo liệu làm cho ta được tiến triển trong sự thông minh; và ơn thông minh làm nảy sinh ơn khôn ngoan.'

Vậy, còn có những hồng ân nào khác nữa?

Như Công đồng Vatican II đã làm, chúng ta cần nhớ lại rằng: 'thần học trung cổ về bẩy hồng ân Chúa Thánh Thần đã không khẳng định là chỉ có bẩy ơn đó. Nền thần học ấy cũng chẳng diễn tả hết tất cả sự đa dạng các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh Tân Ước còn đưa ra những danh sách khác về các hồng ân Thánh Thần, và gọi đó là những đặc sủng; các đặc sủng này không hoàn toàn trùng khớp với danh sách bẩy hồng ân theo cái nhìn truyền thống thời trung cổ. Như vậy, có rất nhiều hồng ân của Chúa Thánh Thần.

Quả vậy, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô kể ra ba hồng ân của Chúa Thánh Thần (Ơn lo liệu, ơn thông minh và ơn khôn ngoan) bên cạnh những đặc sủng khác (ơn chữa bệnh, ơn nói tiên tri, ơn làm các phép lạ, ơn nói nhiều thứ tiếng và ơn để diễn giải). Ngoài ra, ngài còn tuyên bố rằng chính Chúa Thánh Thần 'đã làm cho những người này là Tông đồ, những người khác là ngôn sứ, là người loan báo Tin Mừng, những người khác nữa thành chủ chăn, thành thầy dậy'. (x. Ep 4,11).

Những đặc sủng này đã được tái khám phá trong Hội Thánh từ sau Công đồng Vatican II giữa lòng đặc sủng đổi mới vả cả bên trên đặc sủng đó nữa. 'Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa Dân Chúa bằng các Bí tích và các thừa tác vụ, còn ban cho các tín hữu những hồng ân đặc biệt' (x. 1Cr 12,7), và phân chia cho mỗi người mỗi cách (x. 1Cr 12,11) để tất cả và 'từng người khi tùy theo ân sủng đã nhận được mà phục vụ kẻ khác', thì chính họ cũng trở thành 'những người quản lý tốt lành những ân huệ rất đa dạng của Thiên Chúa', (1Pr 4,10), nhằm xây dựng toàn thân thể trong đức ái (x. Ep 4,16).

Đâu là sự khác biệt giữa các đăc sủng và các hồng ân của Chúa Thánh Thần?

Truyền thống của Hội Thánh thường phân biệt: các hồng ân của Chúa Thánh Thần được ban cho tất cả mọi ki-tô hữu vì chính họ; còn các đặc sủng là những ân sủng được ban cho một số người để xây dựng toàn thể cộng đoàn. Thánh Phaolô đã định nghĩa các đặc sủng như là 'sự biểu lộ của Chúa Thánh Thần được ban cho mỗi người mỗi cách để phục vụ thiện ích chung' (x. 1Cr 12,7).

Điều đó có nghĩa là: 'Phải rất thận trọng đừng để những đặc sủng ấy bị giam hãm trong một sự xếp hạng cứng ngắc và hạn hẹp'. Hồng ân lo liệu chẳng hạn phải mang đến phúc lợi vừa cho cá nhân người ki-tô hữu vừa cho tất cả những người chung quanh. Dựa trên khoa chú giải Kinh Thánh, chúng ta phải nhận rằng: các hồng ân được trưng dẫn trong đoạn sách Isaia thực ra lại là những đặc sủng được ban cho cộng sự viên đặc biệt của nhà vua hoặc của Đấng Messia tương lai. Mặt khác, cho đến thế kỷ thứ IX, bẩy hồng ân này được coi như một phẩm loại trong toàn thể rộng lớn hơn những đặc sủng; nhưng sau thời Kinh viện, các hồng ân đã dần dần làm lu mờ các đặc sủng này.

Tóm lại, truyền thống Hội thánh về bẩy hồng ân Thánh Thần có nguồn gốc Kinh Thánh. Các hồng ân này được ban cho mọi Kitô hữu để hướng dẫn và giúp họ sống ơn gọi của mình, cách riêng là ơn gọi nên thánh. Ngoài bẩy hồng ân thường được nhắc đến, còn có nhiều ân huệ khác nữa được ban cho các tín hữu. Tuy nhiên, có một số hồng ân chỉ được ban cho một số người để phục vụ và xây dựng Hội Thánh trong một ơn gọi riêng biệt. Đây là những đặc sủng mà Hội Thánh, từ sau công đồng Vatican II, đang tái khám phá trong đời sống người Kitô hữu để phục vụ và xây dựng Hội Thánh cách tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là điều mà Hội Thánh đang sống cách đặc biệt trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, với sự hiện diện của tất cả các phong trào đặc sủng tại quảng trường đền thờ thánh Phê-rô bên cạnh Đức Thánh Cha.

 



Joseph Đỗ Văn Tuyến

(Theo WGPHN)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Bệnh tật và đức tin [17.03.2015 11:28]
 Đức tin và Khoa học [12.11.2014 14:03]
 Cầu nguyện & cầu xin [08.10.2014 13:44]
 Thiên thần của tôi [03.10.2014 21:36]
 Ngôi nhà đẹp [01.02.2014 10:04]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số