NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Lịch sử và Giá trị của Kinh Mân Côi (2)
10.10.2018 01:07

Lịch sử và Giá trị của Kinh Mân Côi (2)

(tiếp theo)

B. GIÁ TRỊ KINH MÂN CÔI

Sau khi bàn đến nguồn gốc lịch sử kinh Mân côi ta cũng cần bàn đến giá trị giáo lý và tâm lý của kinh lạ lùng này. Vì không biết thì không thích, nhất là hiện nay lại có những người muốn đã đảo cách đọc kinh Mân côi, vì họ cho là lỗi thời. Theo quan niệm của những người này thì chỉ cần đọc Thánh Kinh vì là Lời Chúa, còn ra là lời nhân loại. Lời nhân loại dầu sao không thể bằng lời Chúa. Họ cũng đã kích việc sùng kính Đức Mẹ vì cho rằng như thế là làm tổn thương đến việc tôn thờ một Chúa. Nhưng họ lại quên rằng kinh Mân côi chứa hầu hết lời Thánh Kinh, đặc biệt là việc suy niệm Mân côi lại hoàn toàn Thánh kinh hơn nữa. Còn khi đọc kinh Mân côi để tôn kính Đức Mẹ, thì chúng ta có ý tôn kính người Mẹ thực sự của Đức Kitô, đồng thời là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ các tín hữu. Người con hiếu thảo nào lại không muốn Mẹ mình được tôn kính? Người con hiếu thảo nào lại không phải yêu mến mẹ mình? Phải chăng việc đả kích lòng sùng kính Đức mẹ là mưu mô sâu độc hỏa ngục bày ra, mà không ngờ nhiều người thiện chí đã bị mắc bẫy. Để minh chứng giá trị Thánh kinh trong kinh Mân côi chúng ta xin nói ngay:

1/ Việc đọc kinh ngoài miệng có nguồn gốc từ Thánh Kinh: Trước hết chính Chúa Giêsu dạy các Tông đồ đọc kinh Lạy Cha (Lc 11, 1). Đấy chính là kinh Chúa để lại cho loài người dùng mà cầu nguyện, để trở nên phần tử đúng đắn của nước trời.

Kinh Kính mừng (phần I). Chính là lời Thiên thần kính chào Đức Mẹ khi truyền tin việc Ngôi Lời Nhập Thể. Phần II của kinh Kính mừng: “ Bà có phúc hơn mọi người nữ và (Giêsu) con lòng bà gồm phúc lạ” là lời thánh Elisabeth cất lên để ca tụng Mẹ Thiên Chúa khi Ngài đến thăm. Lời này ghi lại trong Phúc âm thánh Luca 1, 42. Còn việc thêm thánh danh Maria trong câu: Kính mừng Maria chúng ta thấy đã thực hành trong Giáo Hội từ xa xưa, như thấy trong sách Antiphonarium Gregorianum, Chúa nhật IV mùa vọng, và trong lễ kính về Đức Mẹ, do tu sĩ Alcuino sáng tác từ thể kỷ thứ 8 (20). Việc thêm thánh danh “Giêsu” trong câu: “Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ” thì mãi sau mới có (21). Vì trong cuốn giải nghĩa kinh Kính mừng của thánh Thoma (thế kỷ 13) không thấy cắt nghĩa về tên Giêsu. Theo lưu truyền thì Đức Giáo Hoàng Urbano IV (1262) đã truyền thêm tên Giêsu vào kinh Kính mừng.

Kinh sáng danh là một kinh hoàn toàn trong Thánh Kinh vì Tân ước đã mặc khải rõ ràng về Chúa Ba Ngôi và thánh Phaolô nhiều lần tán tụng Chúa Ba Ngôi trong các thư ngài viết.

2/ Việc suy niệm các mầu nhiệm Mân côi cũng có nguồn gốc trong Thánh Kinh: năm mầu nhiệm mùa Vui chính là những chương đầu của Phúc âm thánh Luca. Năm mùa Thương thì thấy kể rõ ràng trong cả 4 Phúc âm. Về mầu nhiệm Sống lại và Lên trời thì các Phúc âm kể rõ ràng. Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống được tả một cách rất sống động trong Tông đồ công vụ 1, 1-11, như là phụ trương về Lời Chúa Giêsu hứa trong bữa Tiệc ly.

Chỉ có hai mầu nhiệm sau cùng: Việc Đức Mẹ lên trời và vinh thăng Nữ vương Thiên quốc, thì tuy không thấy kể rõ trong Thánh Kinh, theo các nhà Kinh thánh Học và Giáo lý, thì cả hai mầu nhiệm này được tiềm ẩn trong đạo lý Thánh kinh, theo nghĩa đầy đủ về các lời Chúa phán trong Cựu và Tân ước. Đối với người Công giáo thì việc Đức Mẹ lên trời đã thành tín điều do Giáo quyền tuyên bố.

3/ Tương quan giữa Chúa Giêsu và Đức Mẹ: Một yếu tố Thánh kinh nữa của kinh Mân côi là việc liên đới giữa Đấng Cứu Thế và Đức Mẹ đồng công. Bất cứ cách nào ta không thể phân ly Đức Mẹ ra khỏi Chúa Cứu Thế được. Đức Mẹ luôn là Đấng đồng công với Chúa Cứu Thế. ĐGH Leo XIII quả quyết: Nhiệm vụ đồng công này được diễn tả đặc biệt trong kinh Mân côi (T. Đ. Jucunda semper).

Nếu mọi ơn siêu nhiên đến với ta là do công ơn Chúa Cứu Thế, thì ta cũng phải nhận định rằng Đức Mẹ đã đồng công với Chúa Cứu Thế kể từ lúc Ngài giáng trần cho tới chân đồi Calvario. Kinh Mân côi muốn nhắc lại sự kiện này và muốn ta đến với Thiên Chúa qua đường Giêsu Maria, vì đây là đường Thiên Chúa đã xếp đặt. Vì thế tuy không buộc ta phải luôn luôn và rõ ràng chạy lại với Đức Mẹ, như với Chúa Giêsu, nhưng ai lười biếng hay cố tình bỏ quên Đức Mẹ thì người đó chắc chắn đi trệch đường về Thiên quốc.

Nếu khi đọc kinh ngoài miệng, hay suy ngắm trong lòng ta không được chủ tâm quên Đức Mẹ, thì trong kinh Mân côi, là kinh vừa đọc vừa suy ngắm, lại càng cần có sự hiện diện của Đức Mẹ hơn nữa. Trong kinh Mân côi các lời đọc ra ngoài miệng, cũng như các mầu nhiệm suy ngắm trong lòng, luôn nhắc đến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Vì thế kẻ đọc kinh Mân côi luôn phải tưởng niệm tới cả hai Đấng, để vừa yêu mến, biết ơn và bắt chước gương sáng đời sống các Đấng để lại, vừa để cầu xin cho được nước trời, là nước mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ đem lại cho thế gian.

Việc nối kết chặt chẽ Đức Mẹ và Chúa Giêsu như thế trong kinh Mân côi quả là có lý do Thánh kinh. Và kinh Mân côi quả là một việc đọc cuốn Phúc âm rút gọn. Vì lý do này việc đọc kinh Mân côi có giá trị hơn bất cứ một thứ kinh riêng nào khác. Vì các kinh khác, dù có hay đến đâu cũng gồm những yếu tố nhân loại. Còn kinh Mân côi thì hoàn toàn gồm những lời Thánh kinh.

4/ Giá trị Kinh thánh trong các thành phần của kinh Mân côi.

Kinh Lạy cha: theo ý kiến thánh Augustinô thì phần nhất của kinh Lạy Cha là một câu “thuyết phục cảm tình”. Vì các kinh, nhất là kinh để cầu xin, cần phải bắt đầu bằng những lời tán tụng để kẻ cầu xin đáng được nghe hơn. Vì thế kinh lạy cha, bắt đầu bằng danh từ “Cha”. Danh từ “Cha” phát xuất từ miệng Chúa Cứu Thế không phải để chỉ một đấng vô hình trừu tượng theo triết học, mà chính là để chỉ một sự kiện thể lý cần thiết, tức là người sinh ra con cái. Theo quan niệm Tân ước thì Chúa chính là Cha các tín hữu, cha theo nghĩa thâm thúy của nó. Vì thế Chúa Giêsu muốn cho ta cầu nguyện với tất cả niềm tin ở một người Cha thương yêu con cái vô cùng. Cầu nguyện như thế quả là một cuộc tâm sự lý thú.

Khi xin cho “ Nước cha trị đến” thì cũng có nghĩa như xin cho “Danh Cha cả sáng” và “Vâng ý cha dưới đất bằng trên trời”. Vì khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ đọc kinh này thì Nước Chúa chưa thống trị, chưa thấy danh Chúa được cả sáng như ý Chúa muốn.

Như tiên tri Ezechiel đã báo trước cho biết Danh Chúa sẽ tôn vinh hiển, nhờ một Đấng sẽ đến, Đấng sẽ lập một nước mới, Đấng đó chính là đấng Messia, Đức Giêsu Kitô. Vì thế cả ba lời xin này, theo nghĩa lịch sử đều chú trọng đến việc xin cho “Nước Cha trị đến” (Việc này đã thực hiện từ chân đồi Calvariô đặc biệt là từ ngày lễ Hiện xuống. Ngày nay khi cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến” thì ta xin cho nước đã thành lập đó lan tràn ra khắp thế gian, tới đến với từng linh hồn xét theo nghĩa này thì KINH MÂN CÔI CÓ GIÁ TRỊ TRUYỀN GIÁO, ĐẠI KẾT và THẦN BÍ.

Còn việc xin lương thực hàng ngày thì không những ta xin những của thiêng liêng, mà cũng là để xin những của vật chất cần thiết. Dĩ nhiên Chúa quan phòng đã lo liệu đầy đủ. Nhưng cũng đòi hỏi phải có sự ân cần của con người, tuy không thái quá, nhưng vừa đủ, và đồng thời tín nhiệm vào Chúa.

Tiếp đó là “ xin Chúa tha tội” tội riêng, tội chung , nhưng đồng thời người tín hữu cũng tự buộc mình phải giữ công bằng bác ái, tha thứ cho anh em đồng loại. Tuy hai mối nợ khác nhau một trời một vực, nhưng ta tự hứa như vậy để Chúa thương những lỗi tầy đình của ta. Việc đọc và suy niệm như vậy trong kinh Mân côi làm cho kinh này tràn đầy tính cách bác ái Phúc âm.

Lời xin sau cùng là xin “cho khỏi sự dữ”. Đây là tổng hợp những gì ta muốn xin cho ta cũng như cho tha nhân. Nói kiểu tích cực: Xin Cha ban cho chúng con mọi sự lành như ý Cha muốn, vì điều Chúa muốn là những gì thượng hảo cho chúng con.

Kinh Kính mừng: Ba câu: “Kính mừng, Đấng đầy ơn phúc và Chúa ở cùng Bà” là những lời do chính Thiên thần thay mặt Chúa kính chào Đức Mẹ. Tiếng Việt nam dịch khá đúng tiếng Hy lạp: KHAIRE: hãy vui mừng. Nhưng chữ “Mừng” của ta ám chỉ tâm trạng thiên thần, còn chữ “Mừng” trong tiếng Hy lạp ám chỉ tâm trạng Đức Mẹ. Theo các nhà Thánh kinh học thì nên dịch: Xin Đức Mẹ hãy vui mừng.

Nên chú ý là Thiên thần không nói tới danh Maria, nhưng thay vì tên riêng, Thiên Chúa đặt cho Đức Mẹ một tên mới: Đấng đầy ơn phúc. Vì thế nguyên văn lời chào sẽ là: hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc. Thực là một lời khen ngợi bao gồm mọi điểm quan trọng và riêng biệt của Đức Mẹ. Vì câu “Đấng đầy ơn phúc” ám chỉ việc Đức Mẹ được tràn đầy mọi ơn hồn xác. Một vật đã đầy thì không thể thêm gì hơn được. Mẹ phải là đấng đầy tràn mọi ơn phúc để xứng đáng làm Mẹ chính Ngôi Hai Thiên Chúa. Hỏi còn lời nào xứng đáng và đẹp đẽ hơn để kính chào Đức Mẹ? Hỏi rằng Đức Mẹ còn có thể ước ao lời chào nào hơn nữa? Hỏi rằng ta có thể dùng lời nào đẹp hơn để ca khen Đức Mẹ? Vì thế không lạ gì ta thấy Đức Mẹ muốn ta đọc kinh Mân côi để tỏ lòng yêu mến Ngài. Khi đọc “Kính mừng đấng đầy ơn phúc” ta nhắc đi nhắc lại một việc đặc biệt của tình thương Thiên Chúa, việc Ngôi Hai giáng trần cứu thế, và do đó một người nữ được trở nên Mẹ Thiên Chúa.

Câu nói “Chúa ở cùng Bà” là một câu trong Cựu ước thường dùng khi chỉ một việc có liên quan tới dân Chúa, hay một người được Chúa chọn để trao trách nhiệm khó khăn, nhưng đặc biệt, phải thực hiện, và Chúa hứa sẽ trợ lực cách riêng để hoàn tất công việc trao phó. Việc trọng đại Đức Mẹ phải làm đây chính là cộng tác với Ngôi Hai trong việc cứu thế. Nhắc đến đây, chúng ta nhắc lại cho Đức Mẹ bổn phận phải làm đối với chúng ta, và nhắc tới địa vị cao trọng Ngài được trong chương trình cứu độ, như Mardokeo nhắc cho hoàng hậu Esther. Thực là một lời tâm lý.

Còn câu “Bà có phúc hơn mọi người nữ và (Giêsu) con lòng Bà gồm phúc lạ” chính là câu thánh Elisabeth chào mừng Đức Mẹ khi ngài đến thăm Bà, theo ý Chúa muốn. Trong Cựu ước cũng có một lời khen tương tự, tức là lời dân chúng chúc mừng bà Judith ( 13, 18-19) khi bà chiến thắng quân thù. Một điều đáng lưu ý là trong sách Judith đấng chúc phúc cho bà là chính Thiên Chúa. Trong Tân ước không nói rõ “Chúa chúc phúc cho Đức Mẹ” nhưng mục đích thánh Luca khi viết lại những câu này có ý minh chứng Đức Kitô, mà Đức Mẹ mang trong lòng, chính là Thiên Chúa. Đức Mẹ có phúc vì lý do đó. Thánh Elisabeth cũng muốn nói lên điều này khi cất tiếng ngợi khen Đức Mẹ và nhắc lại đến việc “Con lòng Bà gồm phúc lạ”.

 

Kinh Sáng Danh: Cũng chính là ý nghĩa Kinh thánh. Vì theo Phúc âm thánh Gioan, Chúa Con chính là sự mặc khải đặc biệt của Thiên Chúa và Ngài phải được vinh hiển tán tụng muôn đời. Vinh hiển của Chúa Con cũng là vinh hiển của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế thánh Phaolô kết thúc thư gởi cho giáo đoàn Roma (16,25-27) bằng câu tán tụng, ngợi khen và cầu vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngày nay đọc kinh này Giáo Hội muốn theo cùng một ý Thánh kinh đó mà chúc tụng, cầu mong vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

---------------- 

....9. Nếu sự dữ gia tăng, thì việc sùng kính của Dân Chúa cũng phải tăng lên. Và vì thế, thưa anh em đáng kính, Tôi tha thiết muốn anh em hướng dẫn bằng cách khuyến khích và thôi thúc Dân Chúa cầu nguyện sốt sắng với Mẹ Maria rất mực từ bi của chúng ta bằng việc lần hạt Mân Côi trong suốt Tháng 10, như Tôi đã từng giải thích. Lời cầu nguyện này rất thích hợp cho việc sùng kính của Dân Chúa, làm vui lòng Mẹ Thiên Chúa nhất và mang lại hiệu quả nhất trong việc gặt hái những phúc lành từ trời cao. Công đồng Vatican II khuyên dạy tất cả con cái trong Giáo Hội dùng Kinh Mân Côi, không chỉ trong việc bày tỏ ngôn từ nhưng bằng hình thức không thể sai lầm theo câu này: “Hãy để Dân Chúa say mê với những việc thực hành đạo đức hướng tới Đức Trinh Nữ và được Giáo quyền chấp nhận trải qua nhiều thế kỷ".

10. Như lịch sử Giáo Hội chứng minh cho thấy rõ, cách cầu nguyện mang lại kết quả này không chỉ có hiệu quả trong việc tránh được sự dữ và ngăn ngừa tai ương, mà còn có sức cứu giúp rất mạnh mẽ trong việc củng cố đời sống Kitô. “Nó nuôi dưỡng đức tin Công giáo là thứ đức tin sẵn sàng đảm nhận đời sống mới khởi đi từ lời dẫn giải hợp thời đúng lúc về các mầu nhiệm thánh, và nó hướng tâm hồn tới những chân lý mà Thiên Chúa dạy chúng ta.”.

11. Và vì thế trong suốt Tháng 10, tháng dành kính Đức Mẹ Mân Côi, những lời cầu nguyện và khẩn xin phải được nhân lên, để qua sự chuyển cầu của Mẹ, bình minh của nền hoà bình đích thực sẽ chiếu sáng trên con người. Điều này cũng bao gồm cả nền hoà bình về khía cạnh tôn giáo, nhưng đáng tiếc là không ai được phép tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình một cách tự do trong thời đại này. Đặc biệt, Tôi muốn ngày 4/10, như Tôi đã đề cập trước đây trong năm trước Tôi tới Liên Hợp Quốc vì lợi ích hoà bình, được cử hành trong toàn thế giới Công giáo năm này như là Ngày Cầu Nguyện Cho Hoà Bình. Thật là thích hợp với anh em, thưa anh em đáng kính, trong ánh sáng của việc sùng kính rất đáng khen ngợi của anh em và dựa vào tầm quan trọng rõ ràng của vấn đề này, anh em hãy cho tổ chức những nghi lễ thánh thiêng trong đó, linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân -đặc biệt là các em thiếu nhi trai gái với những bó hoa của sự đơn sơ thánh thiện, người bệnh và những người khác đang chịu đau khổ- tất cả cùng cầu xin Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội thương cứu giúp.

12. Vào ngày đó, chính Tôi sẽ tới Đền thờ thánh Phêrô, tới mộ của vị đứng đầu các Tông đồ, để dâng những lời cầu xin đặc biệt lên Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, Đấng bảo trợ các tín hữu và trung gian bầu cử cho hoà bình. Theo cách này, thiên đàng sẽ rung chuyển, và theo một nghĩa nào đó, vì một giọng nói của Giáo Hội vang lên từ tất cả mọi lục địa trên toàn địa cầu. Bởi vì như thánh Augustino nói “Giữa biết bao ngôn ngữ khác nhau của con người, đức tin của con tim chỉ nói một thứ tiếng thôi”.

Một lời thỉnh cầu với Mẹ Maria

13. Lạy Đức Trinh Nữ, xin Mẹ nhìn xuống tất cả đoàn con cái Mẹ với lòng khoan dung nhân từ hiền mẫu. Hãy đoái thương nhìn đến những lo âu của các vị giám mục đang lo sợ đoàn chiên của các ngài sẽ tàn tạ bởi sóng gió kinh tởm của sự dữ. Xin hãy nhìn đến nỗi đau đớn của rất nhiều người, những người làm cha và những người làm mẹ trong gia đình là những người đang lo âu về tương lai của gia đình mình và vây bủa bởi những gian nan thử thách và biết bao nỗi bận tâm. Xin Mẹ làm dịu những tâm hồn đang gây chiến và soi sáng cho họ có những “tư tưởng hoà bình”. Qua lời bầu cử của Mẹ, xin Chúa là Đấng báo thù cho những sự tàn ác, dủ lòng thương. Xin Ngài ban lại cho các dân tộc sự yên vui mà họ đang tìm kiếm và xin đưa các dân tộc trở lại thời kỳ thịnh vượng bền vững.

14. Với lòng tin tưởng rằng Mẹ Thiên Chúa đáng tán dương sẽ dịu dàng lắng nghe lời cầu nguyện đơn hèn của Tôi, Tôi tha thiết ban phép lành Toà Thánh cho quý vị, thưa anh em đáng kính, và cho các linh mục và những ai thuộc quyền chăm sóc mục vụ của anh em.

(ĐGH Phaolô VI, thông điệp CHRISTI MATRI (về việc cầu nguyện cho nền hoà bình trong suốt tháng 10), 15/09/1966, số 9-14). Nguồn: kinhmancoi.net



(Theo dongcong.net)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]
 Ý nghĩa dây pallium [18.02.2022 14:10]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số