NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Ủy ban Giáo dân-Bài huấn luyện 16: Sống tình liên đới
14.11.2019 10:18

Ủy ban Giáo dân-Bài huấn luyện 16: Sống tình liên đới

PHẦN TU ĐỨC: Sống tình liên đới (Mc 2, 1-12)

Khi phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, không ít lần chúng ta đối diện thách đố trong việc xây dựng tương quan mục vụ, có khi chúng ta cảm nghiệm tình trạng “bại liệt” ở đâu đó trong tương quan với tha nhân, khi phục vụ hoặc khi cộng tác trong việc chung; có khi chúng ta từng bị hay đang bị “bại liệt” trong tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, và với nhau. Chứng “bại liệt” vô hình nhưng lại gây hậu quả hữu hình, đó là tình trạng im lặng bàng quan, phê bình tiêu cực, hay tẩy chay hoặc “ném đá” nhau. Như anh bại liệt và các bạn (Mc 2,1-12), chúng ta cần lời bao dung tha thứ của Đức Giêsu, cho chính mình hoặc cho anh chị em mình, để mỗi người chúng ta có sức mạnh và tình yêu đảm nhận gánh nặng phục vụ cộng đoàn.

Theo trình thuật Mc 2,1-12, anh bại liệt và các bạn có vẻ lọt thỏm và mất hút giữa đám người rất đông đang tụ tập quanh Đức Giêsu, nhưng họ lại thực hiện một hành động táo bạo khiến họ đến gần Đức Giêsu và trở nên nổi bật: “Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” (2,4) Đáp lại hành động táo bạo này, Đức Giêsu làm cho mọi người kinh ngạc khi ban lời tha thứ: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: ‘Này con, con đã được tha tội rồi.’” (2,5) Trong hoàn cảnh này, người bệnh và có khi cả chúng ta nữa, chờ đợi một phép lạ chữa lành thể lý, vì đó là một nhu cầu khẩn cấp, nhưng Đức Giêsu lại nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi”. Đức Giêsu chữa lành người bại liệt cả thể lý và tinh thần, nhưng nếu Người chữa lành thể lí cho anh ngay từ đầu, chắc sẽ chẳng gây ra cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2,7).

Chữa lành thể lý đúng là việc khẩn cấp, nhưng được lành bệnh, phục hồi sức khỏe thể lý cũng đâu giải quyết được hết mọi vấn đề cuộc sống. Thật vậy, nếu xảy ra phép lạ chữa lành thể lý, thì sức khỏe mà phép lạ ấy đem lại cũng đâu tồn tại mãi; người bại liệt được chữa lành, nhưng một ngày kia anh ta lại sẽ “bại liệt”, liệt mãi mãi không thể đứng dậy, nếu không đón nhận ơn phục sinh. Đàng khác, ngoài tật bệnh thể lý, người bại liệt và cả chính chúng ta nữa, còn có những vấn đề sâu xa trong tâm hồn như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, bại liệt trong tương quan với Thiên Chúa-bản thân-và tha nhân… Chỉ nơi Đức Giêsu, chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành: “Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (2,9-10).

Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giêsu muốn đưa dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại sức khỏe thể lý, đó là đi vào sự sống đích thực; đồng thời, người cũng mặc khải chính căn tính của Người là Con Thiên Chúa. Được chữa lành và được tha thứ, cả hai đều cần thiết và quan trọng cho sự sống con người; chúng ta không thể sống bình an khi mang vác những tổn thương và tương quan “bại liệt”. Đức Giêsu gắn liền hai ơn huệ này với nhau, nhưng luôn hướng ơn chữa lành đến ơn tha thứ, vốn là ơn huệ thiết yếu cho sự sống con người. Khi làm như thế, Đức Giêsu táo bạo đánh liều chính sự sống bản thân, và sẽ táo bạo đến tận cùng bằng cái chết trên thập giá, để tha thứ và chữa lành nhân loại, mọi người và mỗi người chúng ta.

Đức Giêsu đến để chúng ta được sống và sống dồi dào. Người trao ban sự sống này bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi; và Người trao ban sự sống này ngay trong thân phận con người và ngay trong hoàn cảnh đầy thách đố của mỗi người chúng ta. “Này anh, anh đã được tha tội rồi”: đây là lời tha thứ và tái tạo, lời vô hình nhưng đem lại hiệu quả hữu hình trong đời sống chúng ta. “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà”: lời đưa dẫn chúng ta sống tình liên đới và mang vác nhau, ngay cả những yếu đuối bất toàn của nhau.

Hồi tâm.

1/Người bại liệt và các bạn trong Tin mừng sống liên đới với nhau và đến gần Đức Giêsu: tôi cảm nghiệm thế nào về tình liên đới trong Hội đồng mục vụ giáo xứ.

2/ Tôi có từng cảm nghiệm tình trạng “bại liệt” trong tương quan với cha xứ-với thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ? Tôi làm gì để thay đổi tình cảnh?

3/ Đâu là đặc điểm của người lãnh đạo phục vụ có khả năng hành động táo bạo như các bạn hữu của người bại liệt?

Tôma Vũ Ngọc Tín SJ.

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ: Dùng uy… lấy quyền...

“Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: ‘Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân’” (Mt 20,25)

Dẫn vào

Liên hệ với nội hàm của từ ngữ “thủ lãnh” (hay còn gọi là “thẩm phán”) trong sách Thủ lãnh thuộc Cựu ước, thuật ngữ thủ lãnh được hiểu là người đứng đầu, người có quyền, người làm lớn… người giúp hướng dẫn các quy tắc theo phán quyết từ Thiên Chúa.[1] Dưới sự lãnh đạo của Giô-su-ê và các vị thủ lãnh khác, hành trình tiến vào Đất Hứa của “dân Chúa chọn” đã diễn ra. Vai trò lãnh đạo của Giô-su-ê trở nên hữu hiệu cách đặc biệt khi ông chọn một miền đất tại Si-khem, cho mời tất cả những người từ Ai-cập trở về và những người ở lại đến gặp nhau trong một đại hội. Vì thế, khái niệm “… thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân”[2] sẽ có thể được thấu hiểu hơn khi các thủ lãnh và toàn dân chọn “Gia-vê”… và trên niềm tin vững vàng vào một “Gia-vê” Thiên Chúa Toàn Năng, nhân từ và giàu lòng xót thương.[3]

Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị

Theo lối đời, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị..., nhưng trong đạo thì không. Với niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, lãnh đạo là để phục vụ mà “thống trị” cũng phải là phục vụ. Thật vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lãnh đạo là phục vụ dân. Ngay như trong nhân gian, quan chức thương dân cũng phải hành động như những công bộc đích thực của dân.[4] Theo đó, nhà lãnh đạo nên tìm hiểu xem những người thuộc cấp cần gì, người dưới quyền mình muốn gì để tìm cách đáp ứng cho tốt nhất có thể.[5] Khái niệm “ý dân là ý trời” của đông phương rất giống với khái niệm “lãnh đạo tôi tớ” (servant leadership) của tây phương với xuất phát điểm từ chính văn hóa Kitô giáo.[6]

Anh em biết, người được coi là thủ lĩnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân….[7]

Người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản

Theo lối đời, người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản..., nhưng trong đạo thì không. Những kiểu nói sau đây phản ánh lề thói của đời: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”; “Một người làm quan, cả họ được nhờ”; “Quan là cha mẹ của dân…”. Tuy nhiên, trong đức ái chân thành, với niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, người làm lớn phải là “nhà lãnh đạo tôi tớ” (servant leader), như gương sống của các thánh, các mục tử trong đạo. Theo đó, các đức giáo hoàng vẫn luôn ý thức và thường xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Thiên Chúa (servant of the servants of God, servus servorum Dei).[8]

Chính Đức Kitô Giêsu đã dạy các tông đồ, các môn đệ phải là “nhà lãnh đạo tôi tớ”, đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, không được lên giọng kẻ cả sắm vai quan chức “hành dân là chính”. Thật vậy, ai muốn làm lớn… giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.[9]

Minh họa nội dung

Một anh thợ hớt tóc nọ vừa hớt tóc vừa “phán” với một thân chủ lớn tuổi: “Này bác ơi, tôi cho rằng trên đời này làm gì có Thiên Chúa nhân từ”. Người khách ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh lại nói thế…”. “Thì bác cứ ra phố mà xem”, anh thợ nói, “nhiều người phải lang thang kiếm sống, dầm mưa dãi nắng, đêm đến phải mượn vỉa hè để ngủ. Ấy là chưa kể đến các bệnh viện nhếch nhác với biết bao bệnh nhân, bệnh tật đau đớn. Nếu có Thiên Chúa nhân từ giàu lòng thương xót, thì làm sao lại có những chuyện như thế chứ?” Ông khách làm thinh.

Khi trả tiền xong, bước ra khỏi tiệm hớt tóc, ông khách thấy một người râu tóc lùm xùm, rõ là lâu ngày rồi không hớt cũng chẳng cạo gì. Khách bèn quay trở vào tiệm nói lớn: “Này anh phó cạo ơi, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc nhỉ?” Anh thợ sửng sốt: “Bác nói vậy mà nghe được à, thế tôi là ai đây, ai vừa mới hớt tóc cho bác?” Ông khách mời anh phó cạo ra cửa, nói: “Thì anh thấy đầy, nếu có thợ hớt tóc thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm như vậy”. “Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu bao nhiêu thợ hớt tóc đi chăng nữa cũng đành phải bó tay!”.

Ông khách mỉm cười: “Theo tôi, Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng xót thương cũng vậy. Ngài luôn đưa tay ra chờ đợi, nhưng có thể vì kiêu ngạo, ai đó trong chúng ta không chịu nắm lấy tay Ngài…”.

Câu hỏi giúp thảo luận

1/ Theo bạn, thế nào là phục vụ đúng nghĩa?

2/ Là quý chức phục vụ trong giáo xứ, khi làm việc chung với nhau, bạn có hay dùng uy, lấy quyền để thi hành việc bổn phận không?

3/ Bạn có tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, người đứng đầu, người có quyền, người làm lớn… là những người phục vụ? Có phải chỉ khi phục vụ người khác thì ai đó mới thể hiện tinh thần lãnh đạo Chúa dạy?

GTHH 

 



(Theo hdgmvietnam.com)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]
 Ý nghĩa dây pallium [18.02.2022 14:10]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số