NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Lịch sử và Giá trị của Kinh Mân Côi
09.10.2018 23:58

Lịch sử và Giá trị của Kinh Mân Côi

Đúng một tuần sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, trưa 29-10-1978, trước hơn 100.000 người tới dự kinh Truyền tin tại công trường thánh Phêrô, Đ.G Hoàng Gioan Phaolô II đã nói mấy lời vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa về kinh Mân côi như sau:

“Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa nhật cuối cùng tháng 10, tôi muốn kéo chú ý anh chị em tới kinh Mân côi, vì tháng 10 là tháng dành riêng để đọc kinh Mân côi trong toàn thể Giáo Hội.

Kinh Mân Côi quả là một kinh tôi mến chuộng cách riêng. Kinh Mân côi là một kinh đặc biệt lạ lùng vì vừa đơn sơ vừa phong phú. Khi đọc kinh Mân côi, chúng ta lập lại nhiều lần lời Tổng lãnh Thiên thần và thánh nữ Elisabeth chào kính Đức Mẹ. Và đây cũng là lời Giáo Hội muốn dùng để ngợi khen Ngài.

Có thể nói, kinh Mân côi là một kinh dùng để cắt nghĩa chương cuối cùng trong Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II. Chương này bàn về sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội. Vì khi đọc lên câu “Kính mừng Maria” thì các biến cố chính của đời sống Đức Kitô sẽ diễn lại ngay trước mắt ta. Kinh Mân côi, xét trong toàn bộ diễn lại các mầu nhiệm vui, thương, và vinh hiển của Đức Kitô và làm cho ta hiệp thông với đời sống Đức Kitô, nhờ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Đồng thời tâm hồn ta cũng có thể trình bày lên Chúa tất cả những biến cố có ảnh hưởng tới đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội, nhân loại và những hoàn cảnh bản thân cũng như tha nhân, nhất là của những người ta thương mến cách riêng. Như thế kinh Mân côi làm cho đời sống con người hoà điệu với đời sống Chúa Cứu Thế.....tôi khuyên mọi người hãy sốt sắng đọc kinh Mân côi”.

Lời khuyên này chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực hiện trước hết. Ngày 21-10-1979, tại Pompei ngài tâm sự công khai với dân chúng rằng khi ở trụ sở Liên hiệp quốc vào đầu tháng 10 vừa qua Ngài vừa đọc diễn văn, vừa âm thầm lần chuỗi Mân côi. Chính vì thế mà hiệu quả thực là lạ lùng như báo chí loan tin. Để hiểu hơn nữa về kinh Mân côi, tôi xin hân hạnh trình bày chi tiết về Lịch sử và giá trị của kinh đặc biệt này.

A. LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI

Theo hình thức hiện có ngày nay, thì kinh Mân côi đã có một lịch sử rất xa xưa, và những biến chuyển đáng kể. Một điều chắc chắn là kinh Mân côi chưa có một kiểu nhất định và rõ ràng, khi thánh Đaminh nhận được sứ mệnh của Đức Mẹ để rao giảng về cách thực hành kinh Mân côi. Các ảnh vẽ, cả ngay từ thế kỷ 13, có diễn tả việc Đức Mẹ trao tràng hạt cho thánh Đaminh. Nhưng đó chỉ là một cách diễn tả những gì Thánh Đaminh phải làm theo ơn soi sáng riêng.

Thánh Đaminh sinh năm 1170 và tạ thế vào năm 1221. vậy Ngài đã làm gì để xứng danh hiệu là “Đấng sáng lập kinh Mân côi”? Trước Ngài đã có những thói quen nào? Để hiểu rõ vấn đề, xin bạn đọc lưu ý là kinh Mân côi gồm 4 kinh : 1/ Lạy cha, 2/ Kính mừng, 3/ Thánh Maria, 4/ Sáng danh và việc suy ngắm các mầu nhiệm.

Về kinh “Lạy Cha” thì ngay từ đầu Giáo Hội, tín hữu thường đọc và đọc nhiều lần. Kinh “Thánh Maria” là kinh chỉ được thông dụng từ thế kỷ 17. Kinh “Sáng danh” cũng đã được đọc từ lâu, sau mỗi Thánh vịnh, khi nguyện nhật tụng. Còn lại vấn đåề là kinh “Kính mừng” được đọc và đọc nhiều, đọc từng 150 lần như thấy hiện nay là do sáng kiến nào? Xin nói ngay trước khi minh chứng: Đấy là sáng kiến của thánh Đaminh.

1. KINH KÍNH MỪNG TRƯỚC THẾ KỶ 12

Cho tới thế kỷ 12 không thấy có tài liệu lịch sử nào nói về việc dân chúng đọc kinh Kính mừng cả. Nhưng kinh Lạy cha thì có. Các Giáo phụ, các Công đồng chung thường khuyên đọc kinh Tin kính, Kinh Lạy cha. Còn kinh Kính mừng thì mãi cuối thế kỷ 12 mới thấy được khuyên đọc. Nhưng xét theo tư nhân thì thỉnh thoảng cũng có người đọc kinh Kính mừng. Thánh Phêrô Đamianô có kể đến việc một thầy dòng hằng ngày đến trước tựợng Đức Mẹ và đọc kinh Kính mừng. Trong hồi ký của thánh Bartôlômêô de Carpinêtô có nói là thầy Oliveriô chết đang khi đọc kinh Kính mừng. Nên chú ý là thánh Albertô qua đời vào trung tuần thế kỷ 12 mỗi ngày đọc 50 kinh Kính mừng và kinh này hoàn toàn như ta đọc ngày nay. Đây là tài liệu sử đầu tiên về kinh Kính mừng.

Trừ một vài trường hợp riêng như vậy thì ta thấy lịch sử các thánh thế kỷ 12 như thánh Nobertô, Brunô, Bernarđô, Hildelgarda, không nói đến các đấng đọc kinh Kính mừng, tuy các ngài rất sùng kính Đức Mẹ. Hiến pháp các dòng, văn thư của các Công đồng và các Đức Giáo Hoàng cũng không thấy nói đến kinh Kính mừng. Hiến pháp của dòng Guigues truyền các thầy trợ sĩ đọc 300 kinh Lạy cha để cầu cho người quá cố thay vì đọc kinh nhật tụng. Mãi tới 1298 mới thấy có tài liệu lịch sử về việc đọc kinh Kính mừng. Vì năm đó Đức giám mục Eudes de Sully Giám mục thành Paris truyền cho các linh mục phải dạy cho bổn đạo đọc kinh Tin kính. Lạy cha và Kính mừng. Như thế ta nhận định được dễ dàng là cho tới cuối thế kỷ 12 chưa có thói quen đọc kinh Kính mừng trong Giáo Hội.

2. THÁNH ĐAMINH VÀ VIỆC ĐỌC KINH KÍNH MỪNG

Cuối thế kỷ 12 thánh Đaminh ra đời. Ngài có liên quan gì tới việc phổ biến kinh Kính mừng? Tài liệu lịch sử về vấn đề này tuy không nhiều, vì đã thất lạc khá, nhưng cũng đủ để giúp ta tìm hiểu công trạng và ảnh hưởng của ngài trong việc phổ biến này.

Theo cuốn “Cách cầu nguyện” thầy Gêrardô de Teu-tonia viết lại về thánh Đaminh, và đã nạp sách này cho công đồng dòng tại Luca năm 1288 có nói: khi cầu nguyện, thánh Đaminh đã đứng lên bái xuống rất mềm mại... . khi thì Ngài âm thầm cầu nguyện, lúc thì ngài quỳ như ngất trí lâu giờ và với gương sáng đó ngài dạy anh em cách cầu nguyện này.

Ngài đã dậy anh em cách cầu nguyện nào khi quỳ, khi bái như vậy? Galvano de la Flamma trong cuốn niên sử Dòng trả lời: “Ngoài các cách sùng kính Mẹ Thiên Chúa, các thầy Dòng Đaminh thường bái quỳ, kẻ thì 100 lần kẻ thì 200 vừa bái vừa đọc kinh Kính mừng” đấy chính là cách cầu nguyện thánh Đaminh dạy con cái.

Thánh Giordano de Saxonia, vị Bề trên Cả kế tiếp sau thánh Đaminh, khi ra chỉ thị về các giờ phụng vụ có truyền rằng sau mỗi thánh vịnh các thầy phải bái quỳ và đọc kinh Kính mừng. Còn Gerardo de Fracheto trong cuốn Vitae Fratrum, một cuốn thu tập các biến cố và kỷ niệm từ ngày thành lập dòng Đaminh có kể lại việc một thầy dòng khi bị cám dỗ đã đến trước tượng Đức Mẹ và bái quỳ để đọc kinh Kính mừng như thói quen. Việc vừa đọc kinh Kính mừng vừa bái quỳ là thói quen riêng biệt của dòng Đaminh ngay từ đầu.

Các nữ tu Đaminh cũng thi hành như vậy. Tại Ruan năm 1270 có một nữ tu Đaminh tên là Perrete, chỉ đọc 100 kinh Kính mừng và nhờ đó được lành bệnh. Một nữ tu khác tên là Satefania tại Unterlinden trong suốt 50năm mỗi ngày đọc đủ 150 kinh Kính mừng vừa đọc vừa bái quỳ như thường lệ. Thánh nữ Margariata de Hungaria con vua nước Balan mỗi ngày đọc 1.000 lần Kính mừng Maria vừa đọc vừa bái quỳ. Trong các người dòng Ba thì có thánh Magarita de Ypres tạ thế năm 1237 mỗi ngày đọc 400 lần Kính mừng Maria đồng thời bái quỳ. Thánh Louis vua nước Pháp mỗi ngày đọc 50 kinh Kính mừng vừa đọc vừa bái quỳ theo kiểu riêng dòng Đaminh.

Việc đọc kinh Kính mừng không những là thói quen của dòng Đaminh thời đó, mà còn là điều thánh Đaminh truyền cho con cái phải thi hành. Thánh Raymundo de Capua, vị kế tiếp sau thánh Đaminh có kể rằng: thánh Đaminh lập một hội các người giáo dân với danh hiệu là “Binh lính của Đức Kitô” (đây chính là gốc tích dòng Ba Đaminh) và Ngài truyền cho các nhân viên trong hội phải đọc mỗi ngày một ít kinh Lạy cha và Kính mừng thay vì nhật tụng theo giáo luật Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, trong sắc châu phê hội này có truyền cho các hội viên phải đọc mỗi ngày 7 lần, mỗi lần 7 kinh Lạy cha và 7 kinh Kính mừng thay vì kinh nhật tụng về Đức Mẹ. Sắc lệnh nói thêm: đây là theo như mẫu thánh Đaminh để lại. Đây là sử liệu đầu tiên cho ta thấy kinh Mân côi bắt đầu thành hình dưới hình thức 50 kinh nhất định. Còn tại sao có việc đọc kinh nhật tụng về Đức Mẹ? Thì chính là để chống lại với bè rối Albigenses, những người chối bỏ Đức Mẹ là Mẹ Đức Kitô, như Moneta de Cremona, một sử gia thời đó kể lại.

Tại Gante có một hội dòng Ba đạo đức thành lập từ 1234 trong các điều lệ có một khoản như sau: Mỗi nhân viên phải đọc hằng ngày ba chuỗi gọi là “Chuỗi thánh vịnh của Đức Mẹ”. Nếu mỗi chuỗi là 49 kinh Kính mừng, theo kiểu đọc thánh vịnh hằng ngày trong kinh nhật tụng thì ba chuỗi là 147 kinh Kính mừng. Kinh Mân côi gồm 15 chục bắt đầu thành hình từ đó, nghĩa là từ 1234.

Trong bản hiến pháp viết ra cho các nữ tu ở nhà dòng Xistô tại Roma, thánh Đaminh truyền rằng: Khi các kinh sĩ nguyện kinh nhật tụng , thì các nữ tu trợ sĩ phải đọc một chuỗi. Tại nữ tu viện ElRial ở Madrid, tu viện chính thánh Đaminh sáng lập, thấy có một bản sao bộ hiến pháp tiên khởi. Trong đó có rất nhiều chỉ dẫn về cách cầu nguyện và về số kinh Kính mừng phải đọc. Chẳng hạn, ban sáng khi thức dậy, ngày thường phải đọc 28 kinh Lạy cha và Kính mừng. Đối với các tập sinh, thì sau khi nguyện nửa đêm, và nguyện về Đức Mẹ, họ còn phải suy ngẫm các mầu nhiệm giáng sinh, tử nạn và lên trời của Chúa Cứu thế và sau cùng phải kết thúc bằng kinh Lạy cha và Kính mừng.

Cha Gêtinô tóm lược các biến chuyển trên như sau: việc đọc kinh Kính mừng thấy có trong thế kỷ 12, nhưng chỉ là việc cá nhân, và ít ỏi. Đến thế kỷ 13 kinh Kính mừng được phổ biến sâu rộng, và sau giờ kinh tối ,các thầy dòng đã say mê đọc kinh đó. Đối với dòng Ba và trợ sĩ, thì kinh này được đọc thay cho Thánh vịnh.

Không những thế, thánh Đaminh đã làm cho kinh Mân côi tiến tới một giai đoạn gần nhất định, nghĩa là phải đọc 50 kinh Kính mừng. Vì như chúng ta đã nói trên các thầy dòng Đaminh bắt chước thánh Tổ phụ vừa đọc kinh Kính mừng vừa bái quỳ, kẻ thì đọc 50, người thì đọc 100 có kẻ đọc 200 lần trong 1 ngày. Tại Thụy Sĩ, trung tuần thế kỷ 14 các nữ tu tại Toesz mỗi ngày đọc 150 kinh Kính mừng. Trong cuốn Deapibus của Đức cha Thomas de Cati mapre kể ra hai tích: có một thanh niên phóng túng, sau trở lại và từ đó mỗi ngày anh đọc 50 kinh Kính mừng, và sau một thời gian anh thêm lên ba lần 50. Một thanh niên khác mỗi ngày đọc ba chuỗi Rosarium. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử danh từ Rosarium, hay Mân côi được đề cập tới. Những việc này xảy ra vào quãng trung tuần thế kỷ 13 và như thế đủ biết trong thời này việc đọc kinh Mân côi đã bành trướng mạnh.

Để kết thúc giai đoạn đầu của kinh Mân côi, ta có thể nói như cha Gêtinô rằng:

Chính Thánh Đaminh đã phổ biến việc đọc kinh Kính mừng trong Giáo Hội bằng ba cách:

1/ Khi các kinh sĩ nguyện nhật tụng thì nên thêm kinh Kính mừng ở sau mỗi thánh vịnh.

2/ Các người trợ sĩ và dòng Ba có thể đọc kinh Kính mừng thay cho việc đọc thánh vịnh.

3/ Ngoài giờ phụng vụ, nếu đọc thì nên đọc 50 lần kinh Kính mừng.

Đó là công trạng của thánh Đaminnh.

3. VỀ CHUỖI MÂN CÔI

Đây là một đồ dùng để đếm số kinh đọc. Về điểm này thì ta phải nói ngay rằng: Thánh Đaminh không lập ra,và trực tiếp ngay sau ngài cũng không thấy phổ biến. Nếu thánh Đaminh có dùng một đồ vật gì để đếm kinh Kính mừng, thì ngài cũng làm cách bí mật. Nhưng theo các tài liệu khảo cổ tìm được thì ta thấy trong đời ngài cũng đã có những thứ chuỗi dùng để đếm kinh Lạy cha gồm 10 hay 12 hạt. Các thầy dòng thường hay dùng chuỗi đó để đếm kinh Kính mừng. Chẳng hạn thánh Marcôlinô de Forli, thế kỷ 14 mỗi ngày đọc 100 kinh Lạy cha và Kính mừng, thì ngài có dùng một thứ chuỗi để đếm. Nhưng nói đúng ra đây không phải là chuỗi Mân côi như có sau này. Lúc đó thì chuỗi dùng đếm kinh Kính mừng thay thế hẳn chuỗi dùng để đếm kinh Lạy Cha vì nó đơn giản và bé nhỏ hơn.

Còn vào thời nào chuỗi Mân côi thành hình như thế, thì khó mà nói đúng được. Chỉ biết rằng Stephan de Borbon có kể lại về cha Romeo de Llivia vị sáng lập tu viện Lyon năm 1218 rằng Cha này qua đời trong tay nắm chặt một thắt nút dùng để đếm 1.000 kinh Kính mừng ngài thường đọc hàng ngày, nhưng lại không nói rõ có bao nhiêu nút. Dầu sao đây là một sử liệu đầu tiên nói rõ về việc dùng dây thắt nút để đếm kinh Kính mừng. Sử gia Mezard ghi nhận có 18 trường hợp của anh em Đaminh, trước thời thánh Alanô de la Roch, đã mang thứ chuỗi đếm này. Chuỗi của thánh Catarina de Siena làm quà cho bố của chị Alesia gồm 100 hạt. Chuỗi của thánh Marcôlinô de Forli cũng có 100 hạt. Nhưng chuỗi này nhiều khi được kết lại bởi những vật quý giá bằng thủy tinh, bằng trai, bằng bạc. Vì thế Công đồng tỉnh tại Arvietô năm 1261 cấm các thầy không được dùng những chuỗi bằng trai hay các vật quý giá. Nhưng cho đến này chưa thấy chi rõ hạt nào dùng để chỉ kinh Lạy cha, hạt nào chỉ kinh Kính mừng.

Cuốn nhật ký cuộc hành hương tới Rôma do thánh Venturinô de Bergamô tổ chức gồm 30.000 người có kể: tất cả tay phải cầm gậy (để đi đường) tay trái cầm chuỗi để đếm các kinh Lạy Cha và Kính mừng. Tại các ngôi mộ thế kỷ 14 và 15 thấy có những tượng cầm chuỗi trong tay, những chuỗi này có phân từng chục bởi những hạt lớn. Một bức họa vào năm 1474 tại Cologne bên Đức để kỷ niệm năm thành lập họ Mân côi tại đó có vẽ Đức Mẹ đeo tràng hạt trên cổ và cầm ở nơi tay. Nhưng tràng hạt này gồm nhiều chục, mỗi chục cách nhau bằng một hạt lớn.

Xét theo các sử liệu kể trên, cha Getinô kết luận:

1. Chuỗi đầu tiên dùng để đếm kinh Kính mừng chính là thứ chuỗi dùng để đếm kinh Lạy Cha.

2. Người đầu tiên dùng thứ chuỗi để đếm kinh Kính mừng mà nay ta gọi là chuỗi Mân côi, phải là cha Romeo de Llivia, giảm tỉnh miền Provence.

3. Thứ chuỗi dùng để đếm kinh Kính mừng đó, từ thời đầu không thấy chia rõ thành từng chục hạt.

4. Danh từ 5 chục, hay “Thánh vịnh Mân côi” thường là những danh từ dùng để chỉ cách đọc kinh Kính mừng trong thời đầu, tức là thế kỷ 13: nhưng cũng trong thời đó đã thấy nói đến danh từ Rosarium, hay “Mân côi” nơi tác giả Thomas de Cantimpre và ít sách truyện khác.

5. Trung tuần thế kỷ 15 đã thấy có chuỗi Mân côi gồm 15 chục, mỗi chục cách nhau bằng một hạt lớn như ta thấy hiện nay. Việc này thấy rõ ràng ở nơi tấm ảnh vẽ bên Đức năm 1474, như ta vừa nói trên.

4. VIỆC ĐỌC KINH LẠY CHA CÙNG VỚI KINH KÍNH MỪNG:

Việc đọc kinh Lạy Cha cùng với kinh Kính mừng ta thấy lần đầu tiên trong bản hiến pháp thánh Đaminh ra cho dòng Ba của Ngài. Ngài truyền cho họ phải đọc 7 kinh lạy cha, 7 kinh Kính mừng trong mỗi giờ phụng vụ thay vì 7 thánh vịnh. Mỗi ngày 7 lần như vậy tổng cộng là 49 lần. Và thay vì nguyện nhật tụng về Đức Mẹ, họ cũng có thể đọc 49 kinh Lạy cha và Kính mừng thay, đấy chính là nguồn gốc việc đọc kinh Mân côi thay cho Thánh vịnh.

Cách đọc kinh Lạy cha cùng với kinh Kính mừng là thói quen thánh Đaminh thường thực hiện. Nhưng hằng ngày Ngài đọc bao nhiêu kinh Kính mừng, thì ta phải thú thực là không có bằng chứng lịch sử. Những người liền sau thánh Đaminh để lại nhiều cách đọc kinh Kính mừng khác nhau. Chỉ biết rằng đầu tiên người ta thường đọc nhiều kinh Lạy cha, và đọc nhiều lần. Sau đó thêm kinh Kính mừng và thêm nhiều, thậm chí chỉ còn đọc một lần kinh Lạy Cha trước khi đọc 10 kinh Kính mừng.

5. SUY GẪM KHI ĐỌC KINH MÂN CÔI

Đây cũng là một yếu tố căn bản nữa của kinh Mân côi. Yếu tố này cũng đã biến chuyển qua thời gian. Trước hết lịch sử dòng kể rằng thánh Đaminh truyền cho các thầy dòng phải treo tượng chịu nạn và ảnh Đức Mẹ trong phòng để suy gẫm. Còn Ngài thì lúc quỳ, lúc đứng lúc vừa bái vừa đọc từng trăm kinh Kính mừng trước tượng chịu nạn. Nhiều thầy dòng cũng bắt chước gương sáng đó và hằng ngày đọc từng trăm kinh Kính mừng trước ảnh Đức Mẹ và tượng Chịu nạn. Rồi cuốn hiến pháp dòng Ba tại Gante, năm 1234 cổ truyền cho các hội viên phải đọc và suy gẫm một chút về đời sống Chúa Giêsu và Đức Mẹ trước khi đọc các kinh Lạy cha và Kính mừng. Và điều thường được nhắc đến trong giờ đọc kinh Mân côi là suy gẫm mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập thể. Đây chính là việc thày Romeô de Llivia thường làm hằng ngày khi đọc kinh Kính mừng. Cha Hugo de S. Caro trước thời thánh Thomas, có kể lại việc suy gẫm 3 giai đoạn về Chúa Cứu Thế: vui, thương, mừng trong mỗi năm chục hạt Mân côi. Để tả lại việc thánh Đaminh thường suy gẫm các mầu nhiệm về đời Chúa Cứu Thế khi đọc kinh Kính mừng như thế nào, thì Fr. Angelico, một họa sĩ trứ danh của Dòng, đã theo đúng các lưu truyền kể lại về thánh Đaminh, luôn vẽ thánh Đaminh đứng trước các hoàn cảnh khác nhau của đời sống Chúa Cứu thế, từ lúc Chúa giáng trần cho tới khi về trời.

Tuy các tài liệu trên chưa nói hẳn được rằng cách vừa đọc kinh Kính mừng vừa suy gẫm các mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế đã thành hình đúng như ngày nay trong kinh Mân côi, nhưng cũng đủ để nói lên rằng, kể từ thánh Đaminh việc vừa đọc kinh Kính mừng vừa suy ngắm các mầu nhiệm là việc thánh Đaminh thường làm và truyền cho con cái phải làm, như các nhân chứng đồng thời kể lại. Và như thế chính thánh Đaminh đã phổ biến hai yếu tố chính của kinh Mân côi là : đọc kinh Kính mừng và suy gẫm các mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế.

Việc vừa đọc kinh ngoài miệng vừa suy gẫm trong lòng như thể đã thấy phổ biến trong thế kỷ 14. Bằng chứng là có một cuốn sách viết tay vào thế kỷ này đã kể rõ việc đọc kinh Kính mừng và suy gẫm các mầu nhiệm: Truyền tin, Sinh nhật, Ba vua, sống lại, Lên trời,và việc Đức Mẹ Thăng Thiên, lĩnh triều thiên Nữ vương thiên quốc. Tại dòng các thầy Tôi tá Đức Mẹ, thế kỷ 13 cũng có thói quen đọc kinh Lạy cha và 7 kinh Kính mừng khi suy gẫm mỗi bảy sự đau đớn Đức Mẹ. Cũng nên biết là dòngThánh Phirô de Verona O.P đã giúp dòng này rất nhiều trong đời sống tu đức. Thánh Vincentê hân hạnh vì đã đưa việc suy gẫm mầu nhiệm vào kinh Mân côi. Những cách tổ chức của ngài không được thực hành, vì sau mỗi kinh Kính mừng phải suy gẫm một mầu nhiệm, thành ra có tới 50 mầu nhiệm. Đến thế kỷ 15 thì các mầu nhiệm đó rút lại còn có 15.

Để kết thúc giai đoạn nhất gồm 250 năm biến chuyển của kinh Mân côi chúng ta có thể nói rằng: Kinh Kính mừng được đọc riêng trong thế kỷ 12 đã trở thành một kinh đọc chung trong giờ Phụng vụ, và có thể thay thế kinh Nhật tụng. Rồi từ trung tuần thế kỷ 15 đã thực hiện đúng như cách thế thánh Đaminh và các thầy dòng của Ngài đã thực hành, nghĩa là đọc 50 kinh Kính mừng, đồng thời suy gẫm các mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế. Và dần dần chuỗi dùng để đếm kinh Lạy cha đã trở thành chuỗi đếm kinh Kính mừng.

6. GIAI ĐOẠN II CỦA KINH MÂN CÔI

Giai đoạn này gồm ba biến cố :

1/ Hình thức nhất định của kinh Mân côi, 
2/ Cách truyền bá có tổ chức
3/ Việc xác nhận Kinh Mân côi như có hiện nay là do công trạng của thánh Đaminh.

Trước hết về hình thức nhất định nghĩa là đọc 50 kinh Kính mừng. Ta phải nói ngay rằng đây chỉ là một sự chọn lựa trong nhiều cách đọc kinh Mân côi đã có sẵn. Từ 1450 cho tới 1500, có rất nhiều cách đọc kinh Mân côi, và cũng trong thời này có rất nhiều hội Mân côi, và nhiều tông đồ hăng hái truyền bá kinh Mân côi. Nhưng Giáo Hội chỉ chấp nhận và ban ơn Xá cho những ai đọc kinh Kính mừng trong kinh Mân côi. Vì thế mà số kinh đã dồn lại theo số 50 như hình thức kinh Mân côi hiện hành thời đó.

Còn người truyền bá và phổ biến cách đọc 50 kinh Kính mừng vừa suy ngắm các mầu nhiệm đời Chúa và Đức Mẹ chính là thánh Alano de la Rupe, dòng Đaminh, ngài qua đời năm 1475 ngài không gọi chuỗi hạt là chuỗi Mân côi, mà gọi là chuỗi Thánh vịnh về Chúa và Đức Mẹ. Cùng với Ngài, có nhiều người cộng tác hăng say trong việc này. Chính ngài đã lập hội Mân côi tại Flandtia và có từng 50.000 người vào hội. Việc sùng kính kinh Mân côi này bành trướng khắp nơi, như văn kiện Ea quae ex fidelium của Đức Giáo Hoàng Sixto IV, tháng 5 năm 1479 quả quyết. Thánh Alano chỉ định hình thức đọc kinh Mân côi như có hiện nay, nghĩa là vừa đọc vừa suy ngắm các sự mầu nhiệm: vui, thương, mừng. Nhưng trong các mầu nhiệm mùa Vui, thì ngài thêm mầu nhiệm việc Chúa chịu cắt bì, trốn sang Aicập và trở về Nazareth. ĐGH Sixto IV trong văn kiện kể trên chấp nhận cách đọc như thế, và truyền rằng phải đọc 150 kinh Kính mừng như 150 thánh vịnh, và trước mỗi chục hạt phải đọc kinh lạy Cha. Ai đọc như vậy thì được ân xá.

Vì việc nhận định thánh Đaminh chính là đấng sáng lập kinh Mân côi như ta thấy hiện nay, có tài liệu chính thức đầu tiên đó vì Sứ Thần Toà thánh tại Đức năm 1476 khi lập hội Mân côi tại đó ghi rằng: Kinh Mân côi phải gồm 50 kinh Kính mừng và 5 kinh Lạy cha, theo như cách thánh Đaminh đã lập, vì lưu truyền nói thế.

Để kết thúc giai đoạn II và là giai đoạn sau cùng của kinh Mân côi, ta có thể nói như cha Gêtinô rằng: Giáo hội đã chấp nhận kinh Mân côi, trước hết do các vị Sứ thần Tòa thánh, rồi đến các ĐGH. Các đấng này đã thống nhất cách đọc, và ban nhiều ơn xá cho kẻ đọc. Văn kiện Giáo Hoàng về kinh Mân côi rất nhiều và tất cả đều nhấn mạnh rằng việc đọc kinh Mân côi không được thi hành theo cách mọi người lựa chọn mà phải đọc theo mẫu chính thức trong toàn thể Giáo Hội.

Xét theo các tài liệu sử kể trên thì kết luận sau cùng phải là câu này: Kinh Mân côi chưa có hình thức nhất định trong thời thánh Đaminh, trái lại đã biến chuyển rất nhiều,và sau cùng Giáo Hội chấp nhận vào thế kỷ 15. Nhưng thánh Đaminh quả là đấng sáng lập kinh Mân côi, vì ngài đã phổ biến cách đọc nhiều lần kinh Kính mừng, đồng thời suy ngắm các mầu nhiệm đời Chúa Cứu Thế. Trước thời ngài, cũng có ít kẻ đọc kinh Kính mừng, nhưng chỉ là trường hợp cá nhân và không có ảnh hưởng sâu rộng, không có tổ chức. Từ thời ngài trở đi mới có phong trào đọc và đọc nhiều lần, đọc kinh Kính mừng nơi công cộng, đồng thời suy ngắm các mầu nhiệm đời Chúa Cứu Thế, theo ơn mạc khải riêng thánh Đaminh đã nhận được, hay nói kiểu ta quen nói: Như Đức Mẹ dạy ngài phải thực hành. Chính vì lý do đó mà các ĐGH gọi thánh Đaminh là đấng Sáng lập kinh Mân côi.

(còn tiếp)



(Theo dongcong.net)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]
 Ý nghĩa dây pallium [18.02.2022 14:10]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số