NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Các Thiên Thần của Thiên Chúa
30.09.2021 14:07

Các Thiên Thần của Thiên Chúa

Một Cha sở miền quê bên Pháp thuật lại một câu chuyện này:

Khi đó ngài đang ở một xứ đạo hẻo lánh. Một đêm kia được tin một người bệnh đau nặng, đang hấp hối, muốn xin Ngài tới xức dầu. Trời về khuya, với bổn phận mục tử ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người bệnh, ngài phải băng qua khu rừng vắng. Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên thần Bản mệnh, ngài cầu nguyện để Thiên thần cùng đi với ngài. Ngài mạnh dạn tiến bước và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối.

Câu chuyện đã qua 10 năm rồi, nếu không có biến cố mới sau đây thì nó đã rơi vào quên lãng:

Một tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và ngang bướng, không chịu nghe bất cứ một ai. Người ta báo tin cho ngài: có người tử tù sắp bị hành quyết. Vì là Cha sở địa phương, ngài đến nhà tù thăm viếng. Nhưng vừa thấy bóng linh mục, người tử tù phản ứng và từ chối không muốn gặp ngài, nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài: “Có phải cha là Cha sở họ X không?” Vị linh mục ngạc nhiên trả lời: “Trước đây 10 năm tôi làm Cha sở ở họ đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác.”

Thì ra cách đây 10 năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người bị tầm nã, đang lẩn trốn ở khu rừng mà ngài đi qua. Hắn dự định sẽ giết chết bất cứ khách bộ hành nào băng qua đoạn đường đó, để lấy quần áo của nạn nhân mà hoá trang, và đánh lừa lưới của pháp luật. Người tử tù kể lại: Lúc đó y muốn giết vị linh mục, nhưng bên cạnh ngài có một “thanh niên lực lưỡng”. Thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho ngài và người “thanh niên” ấy đi bình an, vô sự.

Vị linh mục kết luận: “Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên hết sức. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng, lúc đó, tôi có dừng lại một lúc để cầu nguyện xin Thiên thần Bản mệnh giúp đỡ. Và như vậy, người “thanh niên” mà người tử tù thấy chính là Thiên thần Bản mệnh của tôi, đã giữ gìn, bảo vệ tôi qua cơn nguy hiểm.”

Câu chuyện trên đây minh chứng cho chúng ta thấy rằng các Thiên thần luôn có mặt để giúp đỡ, can thiệp khi con người kêu xin ngài. Vậy các Thiên thần là ai? Các ngài có vai trò gì trong công trình của Thiên Chúa? Và các Thiên thần để lại cho chúng ta mẫu gương sống như thế nào? Mời bạn và tôi, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về các Thiên thần của Thiên Chúa nhé!

1. THIÊN THẦN LÀ AI?

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Muôn vật “hữu hình” mà Thiên Chúa tạo dựng là vũ trụ, trời đất, muôn loài muôn vật trong đó và sau cùng là con người. Muôn loài “vô hình” chính là các Thiên thần. Thật vậy, bản tuyên xưng đức tin của Công đồng Laterano IV đã khẳng định: Thiên Chúa “ngay vào lúc khởi đầu, đã cùng một lúc tạo dựng từ hư vô cả hai loài thụ tạo: thiêng liêng và vật chất, nghĩa là các Thiên thần và trần gian, và sau cùng là con người được tạo dựng với tính chất của hai loài trên, vừa tinh thần vừa thể xác”.

a. Thiên thần chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính

“Thiên thần”, tiếng Latinh là angelus và trong nguyên ngữ Hylạp là ἄγγελος (angelos) có nghĩa là “sứ giả”, có lẽ bắt nguồn từ động từ ἀγγέλλω (angellō) nghĩa là “loan tin, báo tin, đưa tin”. Như thế, Thiên thần là tên gọi chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính. Xét về bản tính thì là “thuần linh” (thiêng liêng), xét về chức vụ thì là “Thiên thần”.

Vì là những thụ tạo thiêng liêng, các Thiên thần có trí tuệ và ý chí: các ngài là những thụ tạo có ngôi vị và bất tử (x. Lc 20,36). Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy (x. Đn 10,9-12) .

b. Phẩm trật các Thiên thần

Có ba cấp bậc Thiên thần trên trời:

I. Hiện thần (Counsellors): luôn hiện diện trước ngai toà Thiên Chúa, gồm: Seraphim, Cherubim và Bệ thần.

II. Quản thần (Governors): cai quản các sức mạnh thiên nhiên và của con người,
gồm: Quyền thần, Đức thần và Dũng thần.

III. Sứ thần (Messengers): làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người, gồm: Đại lãnh thần, Tổng lãnh Thiên thần và Thiên thần.

Và đây là chín phẩm Thiên thần, được đặt tên theo sứ vụ mà các Thiên thần đảm nhận: (xếp loại từ thấp lên cao)

1. Thiên thần (Angels): các Thiên thần nói chung, gồm cả các Thiên thần Hộ thủ (hay Thiên thần Bản mệnh).

2. Tổng lãnh Thiên thần (Archangels): theo Kinh Thánh, có bảy vị Tổng lãnh Thiên thần hằng hầu cận và đứng chầu trước nhan Thiên Chúa để phụng lệnh Người (Tb 12,15; Kh 8,2).
Tất cả các Tổng lãnh Thiên thần đều có tên gọi kết thúc bằng “el”. “El” có nghĩa là “Thiên Chúa”, và phần đầu tên của các ngài chỉ nhiệm vụ cá nhân riêng biệt của từng vị.

o Michael = “Ai bằng Thiên Chúa” - chiến đấu chống lại ma quỷ (Đn 10; 12,1-4; Thư Gđ; Kh 12,7-18)
o Gabriel = “Sức mạnh của Thiên Chúa” - truyền tin cho ông Dacaria, Đức Maria (Lc 1,19.26) và giúp cho Đaniel hiểu thị kiến (Đn 8).
o Raphael = “Linh dược của Thiên Chúa” - chữa lành bệnh cho ông Tôbít, dẫn đường cho Tôbia và cứu thoát Sarah (sách Tb).
o Uriel = “Ánh sáng của Thiên Chúa” - canh mồ Chúa (Mc 16,5; Mt 28,2-3; Lc 24,4) và giúp Nôê đóng cửa tàu trong trận Hồng Thuỷ (St 6,16).
o Selaphiel = “sự Cầu nguyện của Thiên Chúa” - vật lộn với Giacóp (St 32,23-33) và an ủi Chúa Giêsu trong vườn Ghếtsêmani (Lc 22,43).
o Jegudiel (Jophiel) = “Vẻ đẹp của Thiên Chúa” - canh giữ vườn địa đàng và đuổi Ađam, Evà ra khỏi nơi đó (St 3,23-24).
o Barachiel = “sự Chúc lành của Thiên Chúa” - ngăn tay ông Abraham không cho ông sát tế con mình là Isaac (St 22,11).
o Jerahmeel = “sự Tôn vinh của Thiên Chúa” - dẫn đưa dân Dothái trong sa mạc (Xh 13,21-22). Là vị thứ tám, ngài cũng được kể như là một trong các vị Tổng lãnh Thiên thần.

3. Đại Lãnh thần (Principalities): cai quản các quốc gia.

4. Dũng thần (Powers): cai quản các sức mạnh thiên nhiên.

5. Đức thần (Virtues): bảo tồn các đức hạnh.

6. Quyền thần (Dominions): cai quản các quyền của con người.

7. Bệ thần, hay Ngai thần (Thrones): hằng chầu chực làm ngai toà Thiên Chúa.

8. Thần Khôn ngoan (Cherubim): toả sáng vinh quang của nhan Thiên Chúa. Trong Cựu ước, thần sứ Kerubim được tạc bốn góc của Hòm Bia Giao ước, các Kerubim xoè cánh ra và che phủ phía trên Hòm Bia (x. 1V 6—8; 2Sb 3; 5; Dt 9,5).

9. Thần Sốt mến (Seraphim): bậc Thiên thần cao nhất, luôn rực cháy lòng yêu mến và hăng say trước nhan Thiên Chúa. Chính thần sứ Seraphim đã gắp hòn than hồng trên bàn thờ Thiên Chúa để thánh hoá miệng lưỡi Isaia (Is 6).
Trên đây, bạn và tôi, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về các Thiên thần là ai, phẩm trật các Thiên thần và tên gọi của các ngài. Giờ đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về nhiệm vụ của các Thiên thần.

2. NHIỆM VỤ CỦA CÁC THIÊN THẦN

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 329, cho chúng ta biết về nhiệm vụ của các ngài: “Các Thiên thần, tự bản thể, là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài “không ngừng chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10), nên các ngài là những vị “thực hiện lời Chúa, luôn sẵn sàng phụng lệnh Người” (Tv 103,20)”.

a. Các Thiên thần trong dòng lịch sử cứu độ

Thật vậy, ngay từ lúc sáng tạo và suốt dòng lịch sử cứu độ, các Thiên thần có mặt để loan báo về ơn cứu độ và phục vụ cho việc thực hiện ơn cứu độ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Các Thiên thần đóng cửa vườn địa đàng (x. St 3,24), bảo vệ ông Lót (x. St 19), cứu Agar và con trai bà (x. St 21,17), chặn tay Abraham khi ông sắp sát tế Isaac (x. St 22,11), công bố lề luật cho dân (x. Cv 7,53), hướng dẫn dân Chúa (x. Xh 23,20-23), loan báo những cuộc sinh hạ (x. Tl 13), và những ơn kêu gọi (x. Tl 6,11-24; Is 6,6), trợ giúp các ngôn sứ (x. 1V 19,5), đó là chúng ta chỉ nêu lên một số ví dụ. Cuối cùng, sứ thần Gabriel đã loan báo việc sinh hạ của vị Tiền hô và của chính Chúa Giêsu (x. Lc 1,11.26).

c. Các Thiên thần trong cuộc đời Chúa Giêsu

Chúa Kitô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các vị đều là sứ giả của Người: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…” (Mt 25,31). Các Thiên thần là của Chúa Kitô, bởi vì các vị ấy đã được tạo dựng nhờ Người và cho Người: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Các vị còn thuộc về Người hơn nữa, bởi vì Người đã dùng các vị làm sứ giả thực hiện kế hoạch cứu độ của Người: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (Dt 1,14) .

Từ lúc nhập thể cho tới khi lên trời, cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể luôn được hầu cận bằng sự tôn thờ và phục vụ của các Thiên thần. Quả thế, “khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: ‘Mọi Thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người’” (Dt 1,6). Ca khúc ngợi khen của các Thiên thần trong đêm Chúa Giáng sinh không ngừng vang vọng trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,/ Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14). Các Thiên thần bảo vệ Chúa Giêsu khi còn thơ ấu (x. Mt 1,20; 2,13.19), phục vụ Người trong hoang địa (x. Mt 4,11; Mc 1,13), an ủi Người trong cơn hấp hối (x. Lc 22,43), khi Người đã có thể được các vị cứu khỏi tay các kẻ thù (x. Mt 26,53), như đã cứu dân Israel xưa . Chính các Thiên thần cũng “rao truyền Tin Mừng” khi loan báo cho các mục đồng về việc Chúa Giáng sinh (x. Lc 2,8-14) và về việc Phục sinh của Người (x. Mc 16,5-7; Mt 28,5-7). Các ngài loan báo Chúa Kitô lại đến trong vinh quang (x. Cv 1,10-11), và khi Người đến, các ngài sẽ có mặt để phục vụ việc xét xử của Người (x. Mt 13,41; 24,31; Lc 12,8-9) .

d. Các Thiên thần trong đời sống Hội Thánh

Cho tới ngày Chúa quang lâm, toàn bộ đời sống Hội Thánh được hưởng nhờ sự trợ giúp bí nhiệm và đầy uy quyền của các Thiên thần: cứu các Tông đồ thoát khỏi ngục tù (x. Cv 5,18-20); hướng dẫn Philipphê trong việc rao giảng cho viên quan xứ Êthiôpia (x. Cv 8,26-29); chỉ bảo cho ông Cornêliô phải đi mời Phêrô đến rao giảng và làm phép rửa cho ông và cả gia đình ông (x. Cv 10,3-8); giải cứu Phêrô khỏi xiềng xích (x. Cv 12,6-11); hiện ra an ủi Phaolô trước khi ông ra trước toà hoàng đế Rôma (x. Cv 27,23-25).

Trong phụng vụ, Hội Thánh kết hợp mình với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa ba lần thánh: “Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô chúa trên các tầng trời!…” . Hội Thánh khẩn cầu các Thiên thần trợ giúp ; đặc biệt hơn, Hội Thánh cử hành việc kính nhớ một số Thiên thần: các Tổng lãnh Thiên thần Micael, Gabriel, Raphael, và các Thiên thần Hộ thủ . Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả cho chúng ta biết về các Tổng lãnh Thiên thần này trong bài giảng của ngài:

Mỗi khi có việc cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Micael, có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa”, được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Bởi vậy, vì kiêu ngạo, kẻ cựu thù kia đã muốn nên giống Thiên Chúa, khi dám nói: “Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa… Ta sẽ nên như Đấng Tối Cao”. Trong ngày tận thế, lúc còn được thi thố sức mạnh của mình, trước khi chịu khổ hình đời đời kiếp kiếp, nó sẽ giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Micael, như lời thánh Gioan nói: “Bấy giờ, có cuộc giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Micael ở trên trời”.

Cũng thế, thiên sứ Gabriel mệnh danh là “sức mạnh của Thiên Chúa” được sai đến với Đức Maria làm sứ giả loan báo Đấng đoái thương xuất hiện như một kẻ hèn mọn để chiến đấu chống những quyền lực trên không. Vậy phải nhờ “sức mạnh của Thiên Chúa” mà loan báo Đấng là Đức Chúa nắm giữ quyền lực và oai hùng khi xuất trận sắp ngự đến.

Thiên sứ Raphael cũng được giải nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”, vì khi người chạm tới đôi mắt của ông Tôbit như làm công việc chữa bệnh, thì người xua tan bóng tối là sự mù loà . Vậy, gọi đấng được sai đến để chữa lành là “linh dược của Thiên Chúa”, thì thật là thích đáng.

e. Các Thiên thần trong cuộc đời mỗi chúng ta

Cuộc đời con người, từ lúc khởi đầu hiện hữu (x. Mt 18,10) cho đến lúc chết đi (x. Lc 16,22), đều được các Thiên thần gìn giữ bảo vệ (x. Tv 34,8; 91,10-13) và cầu thay nguyện giúp cho ta (x. G 33,23-24; Dcr 1,12; Tb 12,12). “Bên cạnh mỗi người Kitô hữu đều có một Thiên thần Hộ thủ (hay Thiên thần Bản mệnh) làm đấng bảo trợ và chăm sóc, hướng dẫn họ đến sự sống đời đời” , thánh Basiliô đã nói như thế trong bài giảng của ngài.

Quả thật, nếu sức mạnh của ma quỷ và của sự dữ đông hằng hà sa số, đang ngày đêm chờ chực rảo quanh nhân loại, xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người , thì sung sướng thay, hạnh phúc thay, vững dạ thay khi Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên thần Bản mệnh. Các ngài nâng đỡ, gìn giữ từng người chúng ta. Các ngài giúp chúng ta tránh xa các dịp tội, thêm sức mạnh cho chúng ta để ta thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm; nâng đỡ và khuyến khích chúng ta khi ta gặp những sự thất vọng, chán chường; an ủi chúng ta trong những cơn buồn sầu, đau khổ. Các Thiên thần Bản mệnh cũng giúp chúng ta hồi tâm thống hối khi ta yếu đuối, sa ngã và chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. Các ngài cũng soi sáng, thêm sức mạnh cho chúng ta khi đang hấp hối, nguy tử, v.v… Các Thiên thần Bản mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta để giữ gìn, che chở, an ủi và hướng dẫn chúng ta để được kết hợp và tiến bước đến cùng Thiên Chúa.

Vì thế, ĐTC Gioan Phaolô II, trong buổi triều yết thứ Tư hàng tuần ngày 02-10-2002, đã khuyên các bạn trẻ đang hiện diện ở Quảng trường thánh Phêrô tại Rôma rằng: “Hôm nay, lễ các Thiên thần Bản mệnh kêu mời chúng ta nghĩ tới những vị bảo vệ trên trời mà sự quan tâm và quan phòng của Chúa đã đặt bên cạnh mỗi người… Các bạn trẻ, các bạn hãy để các Thiên thần hướng dẫn các bạn, ngõ hầu sự sống các bạn nên một sự thực hành trung thành các điều răn Chúa… Các bạn, những người bệnh, nhờ sự giúp của các Thiên thần Bản mệnh, các bạn hãy kết hợp những đau khổ các bạn với những đau khổ Chúa Kitô, để giúp đổi mới thiêng liêng toàn thể xã hội… Sau cùng, các vợ chồng trẻ, các bạn hãy năng chạy đến các Thiên thần Bản mệnh của các bạn hầu biến gia đình các bạn thành một nơi biết thông cảm nhau và thành một ‘đơn vị Giáo Hội thu nhỏ’ lớn lên trong Chúa Kitô…” .
Cũng vậy, bài huấn từ thứ Tư hàng tuần ngày 29-9-2004, ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã khuyên các tín hữu đang hiện diện tại Vatican rằng: “Thiên Chúa đã khôn ngoan đặt để cho mỗi người một Thiên thần Bản mệnh. Các ngài hằng đi bên cạnh và hướng dẫn chúng ta… Vì thế, mọi Kitô hữu hãy để cho các Thiên thần Bản mệnh hướng dẫn, dìu dắt…” .

3. CÁC THIÊN THẦN, MẪU GƯƠNG SỐNG CHO CHÚNG TA

Bạn thân mến, sau khi tìm hiểu về các Thiên thần của Thiên Chúa, bạn và tôi học được gì nơi mẫu gương của các ngài?

+ Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Tổng lãnh Thiên thần Micael mà ra sức bảo vệ đức tin của mình, gia đình và của cộng đoàn Giáo Hội bằng cách: chuyên cần trau dồi Giáo lý, đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày; năng đọc sách thiêng liêng, sách hạnh các thánh; cầu nguyện nhiều hơn, viếng Thánh Thể thường xuyên hơn…

+ Noi gương Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, bạn và tôi, chúng ta hãy đem tin vui, tin tốt lành đến cho những người xung quanh qua việc: nói tốt cho người khác, nhất là khi họ vắng mặt; nghĩ tốt cho người khác, đừng nghi ngờ và vu oan cáo vạ cho bất cứ ai; làm tốt cho anh chị em sống xung quanh, khi có thể giúp họ, đừng chần chờ để đến ngày mai…

+ Mẫu gương Tổng lãnh Thiên thần Raphael mời gọi chúng ta hãy chữa lành cho những người xung quanh mình bằng cách: tránh nói những lời gây chia rẽ, sống chân thành với anh chị em của mình; thật tình xin lỗi người đang giận hờn mình hay mích lòng mình…

+ Với các Thiên thần Bản mệnh, bạn và tôi, chúng ta hãy luôn biết kính trọng, yêu mến và cậy trông vào sự che chở của các ngài, và luôn sẵn sàng tuân theo lời chỉ dạy của các ngài qua tiếng nói lương tâm, ngõ hầu chúng ta luôn được thi hành trọn vẹn những điều Chúa truyền dạy, và lắng nghe được tiếng nói của Người.

Lạy Tổng lãnh Thiên thần Micael, cầu cho chúng con!

Lạy Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, cầu cho chúng con!

Lạy Tổng lãnh Thiên thần Raphael, cầu cho chúng con!

Lạy các Thiên thần Bản mệnh của chúng con, xin gìn giữ chúng con. Amen!

Micae Nguyễn Tiến Bình
 



BBT
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII [09.10.2018 23:31]
 Vị Giáo hoàng nhân hậu [11.10.2017 13:28]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số