NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua (4)
05.03.2012 23:54

Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua (4)

II. CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM (tiếp theo)

3. Truyền Thanh Công Giáo

Hình thức phát thanh tại các họ đạo miền quê có từ rất lâu và là một đặc nét của việc truyền thanh công giáo. Sau tiếng chuông sớm đánh thức mọi người, một số chương trình nhạc thánh ca và các thông tin hữu ích của Giáo Hội được truyền đến mọi người qua loa phát thanh. Điều này giúp người giáo dân nắm bắt các nội dung đức tin, thấm nhập các giá trị Tin Mừng và hiểu biết tình hình thời sự cho dù họ có thể không biết đọc biết viết. Ngày nay nhiều giáo xứ vẫn còn duy trì hình thức truyền thông này, chẳng hạn như một số giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc hoặc ở miền Bắc. Tuy nhiên hình thức này cũng có thể gây ra những phản ứng bất bình nơi nhiều người không có niềm tin, khi họ bị đánh thức sớm ngoài ý muốn của họ.

Tại Việt Nam hiện nay không có đài Truyền thanh Công giáo nào, nhưng qua các chương trình Việt ngữ của Đài Chân lý Á Châu tại Philippines và Đài phát thanh Vatican tại Roma, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể theo dõi những thông tin mới nhất của Giáo Hội với những nội dung phát thanh Công giáo thật hữu ích và khá phong phú. Các chương trình này rất ích lợi vì chỉ có giáo dục niềm tin qua làn sóng điện tử mới đến được với các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng núi nghèo khổ và xa xôi, nơi vẫn còn nhiều người dân không biết chữ... Chương trình còn truyền đi các thánh lễ với bài giảng sống động giúp người dân vùng sâu vùng xa sống hiệp thông với phục vụ của Giáo Hội. Xin được lược qua đôi nét về hoạt động của các chương trình Truyền thanh Công giáo Việt ngữ hiện nay đang hoạt động, và được nhiều thính giả ưa thích.

a. Đài Phát thanh Chân lý Á châu [19]

Đài phát thanh Chân lý Á châu (Radio Veritas Asia) là Đài Phát Thanh sóng ngắn duy nhất của Giáo Hội Công giáo trên toàn thế giới, hoạt động từ năm 1969. Đài Chân lý Á châu do Liên Hội đồng Giám mục Á châu chịu trách nhiệm, hiện nay đang phát thanh bằng 15 ngôn ngữ châu Á. Một số chương trình cũng được truyền đi qua internet (www.rveritas-asia.org). Các phòng phát thanh đặt tại Quezon City, Metro Manila, trong khi trạm phát sóng ở Palauig, Zambales, cách Manila khoảng 230 kilômét về phía tây bắc. Phần lớn các chương trình được sản xuất tại địa phương và hiện đều được xử lý bằng hệ thống tín hiệu kỹ thuật số.

Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tán dương Đài Phát Thanh Chân lý Á Châu: “…Là Đài phát thanh duy nhất có tầm lục địa cho Giáo Hội tại Á Châu, đã gần 30 năm phát thanh rao giảng Tin Mừng. Các Hội Đồng Giám Mục và các Giáo phận tại Á Châu cần phải củng cố khí cụ truyền giáo tuyệt hảo này, nhờ việc soạn thảo chương trình theo các ngôn ngữ cho xứng hợp, nhờ sự giúp đỡ nhân sự và tài chánh. Ngoài việc phát thanh, những nhà xuất bản và những cơ quan thông tin Công giáo có thể giúp phổ biến thông tin và cung ứng việc giáo dục và đào tạo tôn giáo thường xuyên trên khắp lục địa. Ở những nơi người Kitô hữu là thiểu số, những thứ đó có thể là phương tiện quan trọng để nâng đỡ và nuôi dưỡng một cảm thức về căn tính Công giáo và để phổ biến kiến thức về những nguyên tắc luân lý Công giáo.”[20]

Chương trình tiếng Việt của Đài Chân lý Á châu có mặt rất sớm. Ban tiếng Việt bắt đầu các chương trình thử nghiệm ngay từ tháng 2 năm 1967, và là chương trình tiên phong giữa các ngôn ngữ của Đài phát thanh Chân lý Á châu. Sau đó, Ban Việt Ngữ đã bắt đầu chương trình chính thức vào ngày 21 tháng 2 năm 1969, trước khi chương trình chính thức của Đài phát thanh Chân lý Châu Á khởi sự vào ngày 11 tháng 4 năm 1969. Hiện nay Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài là Giám đốc của Đài phát thanh Chân lý Á Châu, và là người đã làm việc tại đây từ năm 1978. Các chương trình thông tin mục vụ của Đài Chân lý Á Châu giúp rất nhiều cho đời sống niềm tin của người tín hữu Việt Nam và các nước châu Á. Với việc truyền thanh trực tiếp các thánh lễ, chương trình giúp các tín hữu ở những vùng xa xôi có thể nghe bài giảng và tham gia vào các nghi thức chung của Giáo Hội dù không thể đến nhà thờ. Điều này nâng đỡ cách đặc biệt cho những anh chị em Công giáo sống tại những vùng sâu vùng xa trong thời gian khó khăn. Đài phát thanh Chân lý Á châu còn là nơi đón tiếp và hỗ trợ các linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân Việt Nam và các nước châu Á khác đang học tập hoặc làm việc tại Philippines.

b. Đài Phát Thanh Vatican [21]

Đài Phát Thanh Vatican đặt tại Roma, dấn thân từ hơn 70 năm nay để loan báo sứ điệp Đức Kitô và là cơ quan liên kết trung tâm của Giáo Hội Công Giáo với nhiều quốc gia và các Giáo Hội trên khắp thế giới. Mỗi ngày, qua các chương trình bằng 39 thứ tiếng, Đài Vatican phổ biến tiếng nói và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, thông tin về các hoạt động của Tòa Thánh và về đời sống của Giáo Hội trên thế giới. Các chương trình được truyền đi trên sóng radio, qua vệ tinh, qua trang web, qua internet trực tiếp hoặc theo lựa chọn, các bản tin qua email, podcast, videonews; là các phương tiện chúng ta đang sử dụng rất phổ biến ngày nay. Mỗi ngày đều có các tin tức thời sự, các chương trình đào sâu văn hóa và tôn giáo, truyền thanh phụng vụ và thánh lễ.

Nhìn lại lịch sử, ngày 27.7.1979 Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê, TGM Hà Nội, gửi thư lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để xin Ngài cho phép thành lập chương trình Việt Ngữ tại Đài Vatican. Đức Hồng Y nói rằng giáo dân công giáo Việt Nam rất mong được nghe trực tiếp tiếng Đức Giáo Hoàng và tiếp nhận mau chóng các tin tức từ lòng thủ đô Giáo Hội. Việc mở chương trình Việt Ngữ tại Đài Vatican sẽ đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam mong được nâng đỡ và được liên kết với các cộng đoàn công giáo khác. Ngoài ra, chương trình Việt Ngữ Vatican sẽ bổ túc và củng cố các buổi phát của chương trình Việt Ngữ Veritas cũng như dự phòng một khi đài Veritas không hoạt động được nữa, thì đã có đài Vatican tiếp ứng để gởi thông tin của Giáo Hội đến người nghe. Chương Trình Phát Thanh Việt Ngữ Đài Vatican được các Linh Mục Dòng Tên khởi sự vào ngày 3 tháng 11 năm 1980. Chương trình hiện nay do cha Trần Đức Anh O.P. làm giám đốc.

Chương trình Việt Ngữ hiện nay phát thanh mỗi buổi, trong đó mỗi ngày có một bản tin tôn giáo gồm các hoạt động của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Tiếp đến là một bài về sinh hoạt hoặc thời sự Giáo Hội dài trình bày những biến cố nổi bật, hoặc là nội dung các văn kiện mới của Tòa Thánh, các hoạt động tại thủ đô Giáo Hội và các Giáo Hội địa phương. Hai lần một tuần, các bài sinh hoạt đó được thay thế bằng mục Gặp Đức Giáo Hoàng, tức là nội dung cuộc tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng mỗi sáng thứ tư và buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa nhật, hoặc các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào các ngày Chúa nhật. Khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm các nước hoặc các giáo phận ở Italia, thì mục sinh hoạt được thay bằng các bài tường thuật.

Sau bài sinh hoạt, là mục Gương Chứng Nhân, thuật lại cuộc sống chứng tá của các tín hữu hiện đang sống hoặc các vị thánh đã được tôn phong. Đài Vatican Việt Ngữ cũng có mục bình luận mỗi ngày thứ sáu, chương trình thánh ca mỗi tuần hai lần, mục giải đáp các thắc mắc tôn giáo… Phần cuối của chương trình được dành cho phần học hỏi, với các tiết mục như tìm hiểu giáo luật, giáo lý cho người dự tòng, thần học kinh thánh, thời sự thần học, hoặc trình bày những đường hướng mới trong các nghiên cứu thần học hiện nay. Chương trình Việt Ngữ không trình bày tin tức chính trị, mỗi tuần chỉ có 10 phút điểm những biến cố nổi bật trong tuần mà thôi. Bên cạnh đó, mỗi khi có những biến cố nổi bật như các THĐGM Thế Giới hoặc khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm các nước, thì chương trình có bài phóng sự về các sinh hoạt đó.

Các thính giả chương trình Việt Ngữ Vatican nhắm tới trước tiên là cộng đồng công giáo tại Việt Nam, vì đài Vatican tự bản chất được coi là mối giây nối kết Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh với các giáo hội địa phương. Vì thế, chủ yếu nội dung các chương trình nhắm vào giới thính giả công giáo. Nhưng Ban biên tập cũng cố gắng nhắm cả vào các giới không công giáo nữa. Chương trình Việt Ngữ Vatican hiện nay được phát trực tiếp về Việt Nam qua sóng ngắn. Từ bốn năm nay, chương trình cũng được phát đi qua hai vệ tinh, một cho vùng Á châu, và một cho vùng Mỹ châu. Ngoài ra từ hai năm nay, chương trình còn được phát qua Internet để khán thính giả có thể đọc và nghe lại các bản tin.

4. Truyền hình và phim ảnh Công Giáo

Vào giữa thế kỷ 20, nền văn minh nhân loại bắt đầu trải nghiệm một biến cố lớn: thế giới chuyển từ nền văn minh cơ khí sang nền văn minh điện tử, một nền văn hóa mới chạm đến toàn thể con người: qua giác quan thính - thị, mọi kiến thức đi vào trí tuệ, tâm lý, thể lý và cả tâm linh. Nền văn minh chữ in bị lấn lướt mạnh mẽ, qua làn sóng điện tử với khả năng nghe nhìn kết hợp, con người có thể tiếp cận với nhiều cá nhân và thực tại khác nhau trong cả vũ trụ. Truyền hình và phim ảnh là một thứ ngôn ngữ toàn diện, một nghệ thuật tổng thể có khả năng kết hợp tất cả nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thơ văn, kịch nghệ v.v. Đây là một thứ đa ngôn ngữ nối kết các quốc gia, các châu lục trên khắp cả hành tinh. Nền văn hóa điện tử kết hợp cả âm thanh và hình ảnh sống động không những làm thay đổi hệ thống kiến thức của nhân loại về mặt chất lượng mà cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao. Làn sóng điện tử có thể đến với toàn cầu bất cứ lúc nào và ở đâu nếu người ta có đủ các công cụ để phát và thu sóng, mà ngày nay giá thành của các phương tiện này càng lúc càng rẻ.[22]

Với những thế mạnh đó, truyền hình và phim ảnh đang là phương tiện truyền thông mạnh mẽ và hấp dẫn tại Việt Nam hôm nay. Đa số các gia đình đều tụ tập trước màn hình mỗi ngày. Về mặt tích cực, đây là phương tiện tốt vì nhờ sự kiểm soát gắt gao của nhà nước, các chương trình truyền hình không có nhiều cảnh sex và bạo lực mạnh. Tuy nhiên nó thường đưa những thông tin và tuyên truyền một chiều về các chính sách của nhà nước. Thêm vào đó, các băng đĩa video với nội dung tốt hay xấu có thể len lỏi vào mọi thành phần dân chúng mà không có sự theo dõi kiểm soát của nhà nước hay phía Giáo Hội. Khó ai có thể đánh giá được hết những hậu quả của chúng. Xin nhìn lại một số hoạt động liên quan đến truyền hình và phim ảnh Công giáo xưa và nay để rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho tương lai.

a. Trung tâm Truyền hình Đắc Lộ [23]
Do hoàn cảnh chiến tranh, làn sóng Truyền hình đã du nhập vào Sài-gòn giữa thập niên 1960. Năm 1966-1967, điểm phát sóng đầu tiên phát xuất từ trên máy bay, phủ sóng các tỉnh thành bao quanh Sài-gòn, từ PhanThiết đến Cần Thơ. Rồi cơ sở phát sóng được xây dựng từ 1970 đến 1975 nhưng nội dung ít đề cập đến lãnh vực giáo dục. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Giáo dục truyền hình Đắc Lộ đã ra đời, do các cha Dòng Tên thiết lập từ đầu thập niên 70, nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình. Bên cạnh đó một số Cha bắt tay vào chương trình ‘đặc nhiệm phát triển nông thôn’, nghiên cứu và thực nghiệm các kỹ thuật canh nông mới, xuất bản những tài liệu phổ biết kỹ thuật canh tác chăn nuôi, ngư nghiệp vừa giúp nông dân tăng gia lợi tức, vừa nhắm đến việc phát triển cộng đồng.

Để giúp khán thính giả dễ tiếp thu nội dung chương trình, các nhân viên của Trung tâm không “lên bục giảng bài” trên màn ảnh, mà truyền đạt bài học bằng những hoạt cảnh, những vở kịch, những câu chuyện dễ gây hứng thú, để mọi người sau khi nghe - nhìn các sinh hoạt trên màn ảnh, dễ dàng kể lại cho người khác những gì mình đã chứng kiến. Vì khán thính giả là giới bình dân không thể ngồi nghe giảng dạy như học sinh trong trường lớp, Trung tâm thành lập môt nhóm diễn viên cùng nhau dựng kịch, kể cả hài kịch, có khi đệm thêm cải lương, vọng cổ… để gây hứng thú và giúp khán giả dễ nhập tâm hơn. Cùng với việc thực hiện các chương trình truyền thông ích lợi cho người dân cả trong việc đào sâu niềm tin và thăng tiến cuộc sống, Trung Tâm Đắc Lộ còn có nhiều hoạt động văn hóa quan trọng khác, đặc biệt cho giới true. Đây là một trung tâm mục vụ thu hút rất nhiều giới trẻ đến sinh hoạt thường xuyên, có các ca đoàn trẻ và có thư viện Đắc Lộ được coi là thư viện lớn nhất ở Đông Dương thời bấy giờ…

Trong khi số lượng Tivi trong các gia đình chưa nhiều, thì tại nhiều giáo xứ thời đó đã có bố trí các điểm xem truyền hình công cộng cho cả khu dân cư, do chính quyền ở cấp cơ sở điều hành hoạt động. Từ khoảng năm 1973, những điểm xem truyền hình công cộng này trở thành những điểm chiếu các chương trình của Đài Truyền hình Đắc Lộ qua các băng video. Ngoài việc chiếu phim thuần tuý, nhiều nơi Trung tâm còn tổ chức những “Câu lạc bộ truyền hình” (téléclub) với những nhóm đi chiếu phim dạo ở một số điểm thuận lợi, mang theo đủ thứ dụng cụ cần thiết như màn ảnh, ống loa, máy phát điện, bàn đạo diễn… Nhưng quan trọng nhất là các “nhà giáo truyền hình”, người hướng dẫn khán thính giả thảo luận học hỏi từ phim ảnh, nắm bắt và khai thác mọi khía cạnh hữu ích của bài học xuyên qua màn chiếu. Đồng thời người phát hình cũng trao đổi để tiếp thu phản hồi của người xem. Điều nầy là cần thiết vì giáo dục không phải là nhồi nhét một chiều, mà là một cuộc đối thoại giữa người nói và người nghe. Nhờ vậy, Câu lạc bộ học được từ quần chúng qua những phản ứng bất ngờ của họ, có khi được khán giả “sửa sai”, có khi họ giúp dàn dựng lại đầy đủ và phù hợp hơn đối với bối cảnh, tâm lý người địa phương.[24]

Sau ngày 30.4.1975, các cha Dòng Tên nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới. Vào năm 1976, Trung Tâm Đắc Lộ bị chiếm hữu và Dòng Tên Việt Nam đã trao cho Nhà Nước tất cả cơ sở và máy móc trang thiết bị hiện có của Trung Tâm truyền hình Đắc Lộ. Mãi đến năm 2006 Thủ Tướng Phan Văn Khải mới ký sắc lệnh để giao trả lại Trung Tâm Đắc Lộ cho Dòng Tên trước trước thời điểm Nhà Dòng mừng kỷ niệm 50 năm Dòng Tên trở lại Việt Nam.

Hiện nay Thư viện Đắc Lộ đã được tái lập, trở thành nơi nghiên cứu học hỏi rất ích lợi cho giới tu sĩ các Dòng, các nhà chuyên môn và các học sinh sinh viên Công giáo. Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, tuy không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình, nhưng người Công giáo vẫn có thể tác động gián tiếp lên các chương trình truyền hình của Nhà nước bằng cách nêu những ý kiến nhận xét về các chương trình ấy. Họ cũng có thể tác động tích cực hơn bằng cách cộng tác với các nhân viên của các đài truyền hình để xây dựng những chương trình có giá trị về mặt đạo đức, nghệ thuật, văn hoá…[25]

b. Việc thực hiện các video Công Giáo

Nhìn chung, từ sau năm 1975 đến thời mở cửa (khoảng năm 1985 trở đi), hầu như việc sử dụng phương tiện truyền hình để phục vụ cho công cuộc Phúc âm hoá đều hiếm hoi, hầu như không có. Năm 1985 là thời điểm khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ truyền hình màu tại Việt Nam. Sau đó ít lâu, đã xuất hiện các dịch vụ quay video, ghi hình các dịp tụ họp đông đảo và lễ lạc quan trọng trong Giáo Hội để lưu giữ và phổ biến cho nhiều người cùng xem. Từ những năm 2000, khi dĩa VCD bắt đầu phổ biến, các chương trình thu hình các dịp lễ lạc hoặc các sinh hoạt lớn của Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, Đoàn thể… đã bắt đầu được phổ biến bằng dĩa VCD. Việc thực hiện các video cá nhân rất dễ dàng, vì thế những cuộc cuộc Hội Nghị, Hội Thảo, diễn nguyện, văn nghệ… đều có thể được thu hình và phát hành nội bộ.

Gần đây, một số các chương trình ca nhạc thánh ca và các Hội nghị công giáo đã bắt đầu ghi hình công phu và được phổ biến trên dĩa DVD với chất lượng âm thanh và hình ảnh cao. Như thế tuy không chính thức, nhưng đã có một hình thức “truyền hình công giáo” âm thầm phát hành chương trình qua các sản phẩm video. Các thể loại truyền thông có dáng vẻ “thời sự” này chỉ mang tính tự phát và hiệu quả đạt được rất hạn chế, nhưng đã giúp ích khá nhiều cho đời sống đạo của người giáo dân Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ truyền hình như phương tiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tôn giáo chưa được chú ý đúng mức. Hơn nữa, phần lớn các chương trình video đã thực hiện đều sử dụng các thiết bị dân dụng nên chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật chưa cao. Tuy nhiên, nhìn chung thể loại của các chương trình video công giáo còn nghèo nàn, chỉ chủ yếu là các chương trình ghi hình các dịp lễ hội hoặc chương trình ca nhạc, hiếm có các chương trình phóng sự tài liệu, các chương trình talkshow, có sự đối thoại, phỏng vấn, nêu lên vấn đề và giải đáp. Bên cạnh đó, các luồng phim video đủ loại ngày càng nhiều và càng dễ tiếp cận hơn. Điều đáng lo ngại là trong số các băng hình video này có vô số thể loại phim xấu như phim sex, phim bạo lực… Những loại video ngoài luồng này rất khó kiểm soát và gây nhiều hậu quả đáng buồn, nhất là trong giới trẻ.

Các loại phim video công giáo đã lồng tiếng Việt cũng âm thầm đi đến với mọi người dù thường không hề có “bản quyền” chính thức. Một số phim video công giáo có giá trị như: “Truyền Giáo” (The Mission), nói về hoạt động và chứng tá của các Cha thừa sai Dòng Tên tại Nam Mỹ; phim “Anh Mặt Trời – Chị Mặt Trăng” kể về cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisi, phim “Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô” của đạo diễn Mel Gibson, tường thuật cách sống động cuộc tử nạn của Đức Kitô… phim về cuộc đời Mẹ Têrêxa Calcutta, hoặc phim “Romero” về Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của Tổng Giáo Phận El Salvador là người đã mạnh mẽ bảo vệ đàn chiên của Ngài, đặc biệt những người nghèo và những người bị áp bức; và Ngài đã bị bắn chết khi đang cử hành Thánh Lễ… Các video này được phổ biến giúp ích nhiều cho đời sống niềm tin của người giáo dân.

Giới công giáo cần học hỏi nhiều hơn để thực hiện các loại chương trình hấp dẫn hơn để chuyển tải các nội dung đức tin, vì ngày nay việc thực hiện các chương trình như thế rất đơn giản và chi phí thấp. Việc đánh giá đúng mức tiềm năng của công nghệ và kỹ thuật truyền hình, quan tâm đầu tư sử dụng cách thích đáng, chắc chắn sẽ đẩy mạnh những đóng góp hữu hiệu của công nghệ truyền hình nhằm phục vụ cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Đó là khả năng nằm trong tầm tay của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.

c. Phim ảnh Công giáo

Nhìn một cách tích cực và lạc quan về các kênh truyền hình trên toàn quốc và phim ảnh chiếu rạp, mối lo lắng của các vị chủ chăn trong Giáo Hội Việt Nam xem ra rất nhẹ nhàng, vì các chương trình này được kiểm soát kỹ lưỡng nên nội dung rất “sạch sẽ”, ít có những nội dung “xấu xa - đồi bại” như tại nhiều nước khác. Tuy nhiên hiện nay đã có các chương trình truyền hình cáp (cable) và người Việt Nam cũng có thể xem các chương trình truyền hình trên khắp thế giới qua mạng nữa. Vì thế các chương trình phim truyền hình có nhiều ảnh hưởng băng hoại vẫn có thể đến với người dân.

Hơn nữa, ngoài các dịch vụ bán phim dĩa (VCD hay DVD), thì còn có những dịch vụ chép phim vào ổ cứng để xem trực tiếp trong máy vi tính. Đây là loại phim chất lượng cao, số lượng chép một lần có thể lên đến hàng ngàn phim, dung lượng có thể lên cả 4000-5000GB. Trong số đó có tất cả những phim mới nhất trên thế giới, cả những phim nổi tiếng các loại, và nhiều phim đã có phụ đề tiếng Việt cho người không biết ngoại ngữ! Đây là cả một bước đột phá lớn trong công nghệ phim ảnh, và những nhà đấu tranh để giữ bản quyền phim chỉ có nước “dở cười dở khóc”. Lúc này chuyện xem phim giải trí trở thành vấn đề sở thích cá nhân, không thể kiểm soát. Tất cả chỉ trông chờ vào các chương trình giáo dục gây ý thức cho công chúng, đồng thời tuỳ thuộc vào khả năng hiểu biết, biện biệt và chọn lựa của người sử dụng.

Nhiều chương trình chiếu phim có thêm phần học hỏi rất hữu ích đã giúp người xem mở rộng nhãn quan, thay đổi qua điểm sống và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời với những giá trị của nó. Có những cuốn phim liên quan trực tiếp đến các chủ đề tôn giáo, kể lại những câu chuyện về cuộc đời các thánh, những gương chứng nhân sống niềm tin, những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, hoặc là những sự kiện và biến cố có liên quan đến đời sống của Giáo Hội trên khắp thế giới … Cũng có những phim tuy không phải phim đạo nhưng lại rất có giá trị, chúng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các giá trị Tin Mừng hay cũng có thể chỉ mang ảnh hưởng Kitô giáo mà thôi. Nhiều nơi đã dùng các phim ảnh đó để khơi mào cho những cuộc thảo luận và đào sâu thêm các giá trị đức tin.

Phim ảnh giá trị có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta về thế giới và con người, giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá, từ đó nắm bắt các vấn đề của nhân sinh và hiểu được hoàn cảnh của con người trong nhiều tình huống khác nhau. Những cảm nghiệm mạnh mẽ từ một cuốn phim có thể thức tỉnh con tim và gia tăng sự nhạy cảm của chúng ta đối với nỗi đau khổ và đói khát của nhân loại hôm nay, những lo âu và sợ hãi của họ, những hy vọng, những ước mơ và những chọn lựa can đảm của bao con người thuộc những chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, tầng lớp xã hội và giai đoạn lịch sử khác nhau. Các thành phần trong Giáo Hội cần hợp tác giúp cổ võ, chuyển ngữ, phổ biến, và phát triển mạnh hơn các nội dung truyền hình và phim ảnh lành mạnh, hầu góp phần thăng tiến phẩm giá con người, công bình xã hội, xây dựng tình liên đới, khuyến khích đối thoại và hiệp nhất với nhau trong mọi lãnh vực và ở mọi cấp độ.

-------------------------------------------------

[19] Theo thông tin từ trang web : www.rveritas-asia.org
[20] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, Số 48.
[21] Theo thông tin từ trang web: www.vietvatican.net
[22] Xem bài viết của Nữ tu Mai Thành “Tiến Trình Phát Triển Ngành Truyền Thông Điện Tử”, 2009.
[23] Phần này dựa trên các tài liệu của Dòng Tên.
[24] Xem bài viết của Nữ tu Mai Thành “Tiến Trình Phát Triển Ngành Truyền Thông Điện Tử”, 2009.
[25] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết “Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam” (10/2006), Sđd tr. 458-459.

 

Nữ tu Ngọc Lan, fmm (Theo WHĐ)



BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Một cú click [16.05.2012 05:25]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số