NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Mẹ nghèo, Mẹ giàu
09.12.2012 23:03

Mẹ nghèo, Mẹ giàu

  “Số mầy xui, không thôi đã có mẹ giàu, ở nhà tường, ăn cơm sướng…”. Tôi là con thứ năm, lúc lên hai, một gia đình giàu có nhận tôi làm con nuôi. Mong tôi có một tương lai, người cha nghèo đồng ý, được vài hôm, mẹ …lén bắt tôi về. 

 Hai mươi tám năm trong cuộc đời, chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi nghèo, ngược lại, trong mắt tôi, mẹ là người vô cùng giàu có. Xóm nghèo kênh lò đường, Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, mẹ tôi là một trong rất ít những bà mẹ đủ “giàu” để cho bốn đứa con được cắp sách đến trường thay vì xấp vé số, thúng khoai luộc hay lang thang làm thuê trên những cánh đồng làng.
 
 Sau những buổi cấy thuê, gặt mướn… mẹ lúc nào cũng về nhà trong sự “giàu có” mà tôi và các anh chị luôn chờ đợi: vài củ khoai, vài trái chuối chủ ruộng bồi dưỡng ăn trưa, mẹ dành lại phần chúng tôi; là mớ cá rô, cá lóc, vài chú rắn nước mẹ bắt được cho bữa cơm gia đình; là mớ lúa mót dính đầy bùn đất cho lũ gà; là chú dế, chú cào cào to tướng mà tôi và anh luôn tranh nhau giành phần…
 
 Mít là một thứ trái cây kì lạ, đặc sản mà không phải lúc nào nhà tôi cũng được ăn! Mãi đến những lúc mùa mít ...ế thì mới có những chiếc ghe hàng chở mít ...dạt đến cái xóm heo hút nghèo rớt mồng tơi này! Ghe mít đậu ở vàm kinh, nhà ông 3 Đực. Tôi giục mẹ... Mẹ nằm đó, không trả lời, đưa cho tôi ít tiền và bảo tự đi mua. Mẹ bệnh hơn tháng nay... Tôi chạy nhanh ra đầu vàm, Bà Hai bán mít cười: "Mẹ mầy đâu sao không ra lấy ... xơ mít". "Dạ, mẹ bệnh không đi được; mà xơ mít là gì? Bán cho con trái mít xẻ...". Nói rồi, thằng nhóc 5 tuổi chỉ tay vào mớ ...xơ mít văng lung tung dưới ghe. “Đó là xơ mà, mẹ mày thường xin về ...làm thuốc”! Giờ tôi mới biết quả mít thật sự là thế nào...
 
Tôi luôn tự hào cùng đám bạn vì mỗi lần họp phụ huynh học sinh, mẹ tôi luôn tinh tươm trong bộ quần áo sạch sẽ và đôi dép nhung từ …hồi đám cưới. Bộ quần áo và đôi dép được mẹ cất kỹ trong tủ và chỉ dùng vào dịp đi họp ở trường cho anh chị em tôi; Sau mỗi buổi lễ tổng kết năm học, chúng tôi lại được dịp xuýt xoa về sự giàu có của mẹ, mẹ dẫn bốn chị em tôi lên quán bà Tư đầu xóm, tôi được dịp căng bụng và thỏa thích uống nước ngọt Chương Dương và nhai kẹo đậu phộng – món mà mấy chị em tôi cực thích. Mẹ ngồi đấy, không ăn uống gì vì mẹ bảo “Người lớn …không ăn đồ con nít!”.
 
  Năm tôi học lớp 9, tan trường về, ông bà Nội bảo “Nhà mầy sập rồi. Đừng về, ở đây đục mưa… Mẹ mầy bị cột nhà đè, chảy máu chân…”. Bữa cơm chiều buồn nhưng thật ngon với món gà kho sả ớt. Mẹ bảo: “Mấy con gà núp mưa dưới sàn ván, nhà sập không chạy kịp…”. Mẹ lấy thêm thịt cho chúng tôi và cười phì: “Cũng may, chỉ có một mình mẹ ở nhà!”.
 
 Nghỉ hè, chúng tôi cùng mẹ đi cắt lúa, đốn mía thuê để dành tiền cho năm học mới. Tôi thích nhất giờ nghỉ trưa vì lúc đó được ăn cơm trắng với cá kho, thịt luộc. Có lẽ gia đình tôi là có đồ ăn trưa sang nhất trong cả xóm lao động nghèo. Mẹ hay cười và bảo: “Ăn vậy mới có sức mà làm, mà học”. Phần mẹ là chén …muối tiêu chanh!
 
 Năm học 12, tôi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh Long An. Cũng ngần ấy thời gian gia đình tôi luôn có thêm nhiều hộp sữa đặc có đường – món được xem là xa xỉ đối với người dân quê tôi. Thời gian đó, gia đình tôi cũng “giàu” lên rất nhiều: từ bữa cơm có thêm mớ thịt, mớ rau, đến những bịch cốm ăn vặt, thùng mì tôm hay thêm cây đèn dầu mới toanh. Đặc biệt mẹ đã dành 250.000 đồng, mua lại chiếc xe đạp của bà Sáu trong xóm làm phương tiện đi lại cho tôi đến trường – Đó là tài sản có giá trị nhất trong gia đình mà tôi vinh dự được sở hữu. Về phần mẹ, tài sản quý giá nhất mẹ luôn trân trọng và tự hào khoe với mọi người là tấm Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Long An tặng thưởng về thành tích đạt giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia của tôi.
 
 Rồi những tháng ngày đại học cũng đến, mỗi lúc gặp khó khăn, chính nụ cười của mẹ đã giúp tôi vững tin và có thêm sức mạnh phấn đấu. Tôi cũng đủ lớn và trưởng thành để hiểu rằng mẹ tôi “giàu có” đến mức nào…
 
  Tôi làm thêm nhiều việc để đỡ đần mẹ, tôi khoe với mẹ khi làm phụ hồ công trình cầu Cần Thơ đã quen một người biết cách trị bệnh đau khớp rất hay. Chắc chắn sẽ trị khỏi cho mẹ. Ngày 26 tháng 9 năm 2007, nhịp dẫn cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long đổ sập, bờ Cần Thơ hoang mang. Mẹ bắt xe đò, vượt gần 150 cây số xuống Cần Thơ để chắc rằng tôi không nằm trong danh sách những nạn nhân xấu số. Vừa đến, biết tin, mẹ vội vã quay về cho kịp buổi làm hôm sau…
 

 Hiện tại, là giáo viên tại trường THPT chuyên Lý Tự Trọng – Cần Thơ, tôi vẫn chưa thể đỡ đần nhiều cho mẹ. Nhưng tôi biết mẹ tôi là một người rất giàu có vì mấy ngày trước mẹ điện thoại báo cho tôi một tin mừng: “Mới bán được đu đủ, mẹ mua được đôi bông và sợi dây chuyền rồi đó. Lo mà cưới vợ đi”. Tôi thật sự hạnh phúc khi lúc nào cũng được sống trong tình yêu thương của mẹ và tôi biết rằng mình cũng sẽ trở thành một người thật “giàu có” như chính người mẹ mà tôi hằng kính yêu! Mẹ ơi, con yêu mẹ rất nhiều!



Đoàn Văn Thanh

(Theo netbuttrian.vn)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Sức mạnh của nụ cười [07.03.2019 03:40]
 Mẹ ơi, con yêu Mẹ! [08.05.2016 14:51]
 Chứng tá về cải hóa [25.03.2016 21:22]
 Nét đẹp cuộc sống [04.11.2015 11:10]
 Zuly Sanguino [10.08.2015 08:44]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số