NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Chia sẻ trong Thánh lễ phát tang Đức TGM Phaolô
19.03.2018 21:16

Chia sẻ trong Thánh lễ phát tang Đức TGM Phaolô

 CHIA SẺ THÁNH LỄ PHÁT TANG

ĐTGM PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC NGÀY 15.3.2018

🌷 Một vận động viên chạy đua trên đường trường mệt nhọc vất vả, có nhiều lúc đuối sức như muốn quỵ ngã, bỏ cuộc, nhưng cuối cùng cũng thu hết sức tàn để tiếp tục chạy tới đích dẫu không về nhứt thì cũng là kẻ chiến thắng.

Một Giêsu Nadaret, Thiên Chúa nhập thể làm người, làm một người giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi, hoàn tất hành trình đời sống và sứ mạng mình, giống như vận động viên, nhiều lúc tưởng chừng cũng muốn bỏ cuộc. Trong vườn Giêtsêmani Người đã trải qua nỗi sầu khổ đến đổ mồ hôi, đổ cả máu, cầu nguyện thiết tha cùng Chúa Cha, xin cất chén đắng này đi, nhưng sau cùng, Người đã thắng được chính minh, thắng được cám dỗ, xin ý Cha được thành sự. Người đã vác thập giá mình lên đồi Golgôtha, chịu Đóng Đinh Chết. Vận động viên ấy vượt thắng được cám dỗ lớn nhất không phải là chịu thua đau đớn thân xác, mà còn vượt thắng được nỗi đau khổ tinh thần khi cảm nhận cả những người thân yêu nhất như bỏ rơi mình, và nhất là dường như chính Thiên Chúa Cha cũng bỏ rơi mình. Nhưng cuối cùng , Người cũng chiến thắng cám dỗ tuyệt vọng, vẫn tuyên xưng lòng tin, hoàn tất hành trình đức tin của mình, Người tuyên xưng: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Vì Người trung thành thực hiện chương trình cứu độ đi qua những đau khổ đó mà Chúa Cha đã tôn vinh Người với danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe danh Giêsu mọi loài phải bái thờ tuyên xưng Đức Chúa.

Những người môn đệ của Đức Chúa Giêsu cũng không hơn Thầy, bước theo Thầy, đi trên con đường thâp giá. Một Saolô thành Tarse cũng như thế, như một vận động viên chạy đường trường, sau khi gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, đã đi bôn ba rao giảng Tin mừng cho các dân ngoại, và bao lần phải vào tù ra khám, chịu ném đá, chịu nhục nhã, và sau cùng chịu chết bị chém đầu ngay tại vùng ngoại thành Roma cổ xưa.

Cũng tại nơi an táng Saolô thành Tarse, tức thánh Phaolô Tông đồ, cách đây tám ngày một Phaolô khác trong khi viếng mộ thánh Phaolô Tông đồ và thánh Phêrô, hai cột trụ của Hội thánh Chúa Giêsu, đó là Phaolô thành Đà lạt, Việt Nam, Phaolô Bùi văn Đọc. Giờ đây chính ngài đi đến mộ của mình. Visitatio ad limina Apostolorum, cuộc Viếng thăm Mộ các thánh Tông đồ, đã trở thành cuộc Vượt Qua cuối cùng của đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, kính yêu dấu yêu của chúng ta. Và ngài đang đến đích cuối cùng, đến phần mộ của ngài, trong ngày mốt tới đây. Ở đó, ngài gởi thân xác được gởi gắm lại trần gian này, nhưng chúng ta tin, ngài đang được các thánh Tông đồ, các thánh trên nước thiên đàng giang rộng tay ôm vào lòng để đưa vào cõi Yêu thương vĩnh hằng. Quả thật, trong chuyến đi ad limina vừa rồi, đức tổng của chúng ta thể hiện rõ ràng hơn hết như một vận động viên, kiên trì và can trường bước đi cho đến cùng với sức tàn còn lại. Dù sức đã cùng lực đã kiệt mà vẫn trung thành đi đến cùng. Ngài được Hội đồng Giám mục phân công chủ tế thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành ngày 6 tháng ba. Phaolô cũng là bổn mạng của chính ngài. Cả một tuần lễ trước đó, ai cũng thấy ngài xuống sức. Ngay ngày đầu tiên khi viếng mộ thánh Pherô, cả đoàn vẫn đi bình thường từ chỗ đậu xe đến Đền Thờ Thánh Phêrô, đức tổng thì lững thững chậm chạp đi cùng với vài cha trẻ hộ tống, bị đoàn bỏ đàng xa. Có thể nói đức tổng lê lết chứ không còn phải là đi nữa. Ngày hôm sau, ngày 4 tháng ba, đoàn đi đến nhà thờ Thánh Tôma, nhà thờ hiệu tòa của đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Trong khi đoàn đứng trước sân nhà thờ chờ đợi, buổi sáng chủ nhật hôm ấy, trời quang tạnh và lạnh, đức tổng bước xuống xe lững thững bước vào nhà thờ, ngồi nghỉ và cầu nguyện. Và một mạc khải sau cùng của một đức cha cho biết: chính ngày hôm đó ngài xưng tội và không ngờ đó lại là lần xưng tội lần cuối cùng. Ngày hôm sau, đi gặp đức thánh Cha, từng người lên bắt tay và tự giới thiệu mình, ngài cũng mạnh mẽ, vui vẻ, mặc dầu trong người rất mệt nói với đức Thánh Cha Phanxicô con là Tổng Giám mục Thành-phố Hồ-chí-minh đây. Nhưng rồi ngày hôm sau, đi viếng nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành, sức của ngài quả thật ngày càng cùng kiệt. Trước đó, khi viếng thăm mộ đấng Đáng Kính hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Maria della Scala, một người đã chụp được tấm hình ngài đang ngồi lặng lẽ cầu nguyện. Chỉ một tiếng đồng hồ sau đó, khi kết thúc thánh lễ tại nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành, sau khi chúc mọi người ra đi bình an, thì ngài “ra đi”. Chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ sau thánh lễ, khi bước đi ra xe với những bước chân nặng nhọc, thỉnh thoảng ngài lại dừng lại nghỉ thở và hỏi cha đi cùng “còn xa không”. Còn vài bước tới xe thôi, ngài khụy xuống, và bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu. Tim đã ngưng đập mươi lăm phút trên đường đi đến bệnh viện. Đến bệnh viện được cấp cứu, tim đập lại nhưng quá yếu. Đến sau 10 giờ đêm giờ Roma, Chúa đã kêu gọi đích danh ngài. Tám ngày sau, ngài mới có thể trở về quê hương để giờ đây cùng với chúng ta dâng thánh lễ ở đây. Quả thật, ngài là vận động viên đã chạy đến sức tàn lực kiệt, trung thành trong đức tin cho đến cùng của một người công chính, một môn đệ. Chúng ta tin tưởng ngài sẽ được Chúa đón nhận vào cung lòng Tình thương vĩnh cữu.

Bởi đâu ngài có sức nhiều đến thế? Dẫu mệt dẫu đau không ai thấy ngài than vãn và nhăn nhó bao giờ, mà thỉnh thoảng lại nói vài câu vui. Bởi đâu? Tôi khám phá ra, trong suốt cuộc hành trình, lúc nào trong tay ngài cũng có xâu chuỗi mân côi mười hạt. Ngồi cạnh ngài trên máy bay, tôi cũng thấy ngài lần chuỗi, Tới giờ Kinh nguyện ngài cầm cuốn sách Kinh nguyện phụng vụ và đọc đủ các Giờ kinh. Cả lúc chuyển máy bay ở phi trường Charles de Gaule, cũng thấy ngài lấy sách Kinh nguyện ra đọc dù mệt lắm. Quả thật ngài là con người cầu nguyện. Đúng hơn chính ngài là Cầu nguyện. Ngài dạy người khác cầu nguyện, và đặc biệt trong Thư Mục Vụ Mùa Chay vừa rồi, ngài dặn dò các mục tử hãy dạy cho người trẻ biết cầu nguyện, thì chính ngài là người cầu nguyện đầu tiên. Con người của cầu nguyện. Con người của kinh Mân côi. “Trên con đường về quê” quả thật lúc nào đức tổng cũng có Mẹ. Và giờ đây Mẹ đang dìu ngài vào cung lòng Tình Thương Vĩnh Cửu. Và cũng chính từ đó ta hiểu tại sao lúc nào ngài cũng vui. Vì Chúa là nguồn vui của đức tổng. Vì ngài là con người cầu nguyện, cho nên, dẫu qua đau đớn của thân xác bệnh tật dẫu qua đau khổ của việc bị người đời hiểu lầm, ngài vẫn luôn là con gười của niềm vui. Cuộc Vượt Qua của ngài giờ đây đi đến hồi kết thúc. Chúng ta hãy noi gương ngài, đức tin của ngài, niêm hi vọng của ngài, và tình mến của ngài, giang rộng vòng tay ôm tất cả mà không phân biệt. Xin Chúa đó nhận ngài. Và cũng xin Chúa cho chúng ta được biết bắt chước ngài để trở nên gắn bó với nguồn vui đích thực, vì Chúa mới thực là nnguồn hi vọng, và lóng mến của chúng ta.

 



Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số