NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Chứng tá về cải hóa
25.03.2016 21:22

Chứng tá về cải hóa

 Trong Sứ điệp Mùa Chay Năm Lòng thương xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi: “đừng lãng phí Mùa Chay này, vì đây là thời gian thuận tiện cho việc cải hóa”. Cải hóa là làm thay đổi chuyển dần theo hướng tốt, về mặt phẩm chất con người.

Xin chia sẻ một chứng tá về cải hóa. Chứng tá này do nha sĩ Nguyễn Bình, ở Orange County, người công giáo, thành viên của hội Arpan Globar Charity, là tổ chức thiện nguyện gồm các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y tá. Anh đã cùng hội Arpan (tiếng Ấn Độ có nghĩa là cho tặng) có một chuyến đi 2 tuần sang Ấn độ, anh ghi lại cảm nghĩ rồi chia sẻ cho bạn bè. Bạn của tôi có dịp đọc bài chia sẻ này nhưng muốn biết đầy đủ hơn nên đã hẹn gặp để trao đổi với anh Bình và thuật lại những gì anh Bình muốn chia sẻ.

1. Hai tuần ở Ấn độ.

Tuần đầu anh Bình cùng đoàn đến thành phố Deesa thuộc đông Ấn độ, chia sẻ kinh nghiệm với các nha sĩ Ấn độ, trả lời các câu hỏi nếu có và giúp khám, chẩn đoán các trường hợp phức tạp… rồi cả đoàn đi thăm cô nhi viện, các trẻ em bị bệnh AIDS, thăm nơi nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, bại liệt… Đúng ra anh chỉ đi theo hội Arpan một tuần, nhưng anh có người anh bị bệnh, và nghe nói ở Calcutta có mộ Mẹ Têrêsa, nên mua vé máy bay qua đó, mục đích là viếng mộ Mẹ và cầu nguyện cho người anh. Mẹ Têrêsa đã sáng lập hội từ thiện Missionary Sisters of Charity. Ban đầu thì hội chỉ gồm các nữ tu, nhưng sau này thì có thêm sự đóng góp của các thiện nguyện viên trên toàn thế giới. Anh Bình đến đây chỉ có ý định cầu nguyện cho người anh, nhưng ngay hôm đầu tiên anh lại quyết định tham gia công tác thiện nguyện một tuần thử xem sao. Anh thuật lại: “thật buồn cười, khi mới đến, mình tự giới thiệu ngay, ra vẻ oai vệ lắm: "Tôi tên Bình Nguyễn. Nha sĩ, tôi đến từ Mỹ". Mình cứ tưởng các nữ tu và mọi người sẽ xuýt xoa khi nghe mình đến từ Mỹ, lại là nha sĩ nữa chứ. Ai dè. Không một ai quan tâm điều đó. Họ nhỏ nhẹ hỏi rằng mình dự định sẽ ở đây bao lâu, để họ tiện phân công việc... Anh xin tình nguyện một tuần.

2. Một tuần với những người cùng khổ.

Anh Bình kể tiếp: Mỗi sáng thức dậy thì ai ai cũng được phát một lát bánh mì, một trái chuối nhỏ và một ly nước. Rồi ai nấy đều được giao công việc giặt đồ. "Đồ" ở đây bao gồm quần áo dơ, tã dính cứt của các người bệnh. Khi đó mình bị “shock” lắm, vì không ngờ nha sĩ ở Mỹ qua mà lại bị giao đi giặt tã cứt. Nhưng sau đó mình hiểu ra rằng với các nữ tu thì trước mặt Thượng Đế, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Người nghèo nơi đây nhiều lắm, đa số là các trẻ cô nhi, tật nguyền, bại liệt, mắc bệnh Down, nói chung là thành phần bị gia đình, xã hội ruồng rẫy, bỏ rơi và các “sơ” (soeurs - theo tiếng Pháp) lượm về chăm sóc. Bên đây người ta gọi thành phần này là “untouchable”, có nghĩa là “không ma nào thèm đụng tới nữa”, là thành phần “vứt đi”, tức là họ đã hoàn toàn sống bên lề của xã hội. Mình còn nhớ ngày đầu tiên "bị" phải giặt đồ, lại không hề có máy giặt, mà phải giặt hoàn toàn bằng tay, mình gớm quá, kinh hãi quá đi. Mình xắn ống quần lên, giậm hai bàn chân lên đống đồ dơ bẩn trong thau, mà miệng thì cứ ợ lên ợ xuống vì... nhợn. Mới vừa giậm mấy cái thôi thì nước trong thau đã đen thùi lùi như... nước cống. Mình hãi quá, nhảy ra khỏi thau, lật đật đổ nước ra, múc nước mới vô, giậm giậm vài cái nữa thì hỡi ôi... lại đen ngòm và hôi rình. Chính vào giây phút đó, mình muốn khóc. Thượng Đế ơi, tại sao có những miền đất mà con người ta nghèo đến vậy và cơ cực đến vậy? Nơi đây, các sơ ai cũng chỉ có hai bộ đồ luân phiên để mặc, một đôi dép, vậy thôi. Không nhà, không tiền, không điện thoại, không cell, không computer, không laptop, không son phấn, không cả cái bàn, cái ghế để ngồi. Họ giống nhau ở một điểm duy nhất là "không có gì để lo, để nắm, để giữ, hay để sợ mất". Các nữ tu cũng như mình vậy, họ cũng phải giặt mấy thau tã dính đầy cứt đái, nhưng họ khác mình, vì họ làm điều "dơ bẩn" đó từ năm này qua năm khác, mà họ không ợ lên ợ xuống, họ không giậm bằng chân mà thản nhiên ngồi xuống dịu dàng dùng hai bàn tay vò giặt. Mỗi sáng ai cũng đều làm công việc đó trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Mất khả năng tự lo...

Sau đó mình được phân công đút các em ăn sáng. Hàng ngàn trẻ tật nguyền bại liệt được các thiện nguyện viên dìu hay bế ra một chỗ trống rất rộng, giúp các em ngồi trên dãy ghế gỗ thật dài và mớm thức ăn cho các em. Riêng khu vực mình làm thì có hơn 40 em, gái trai đều có, mù, câm điếc, tàn tật, nói chung những gì bất hạnh nhất mà chúng ta có thể nghĩ ra thì nơi đây mình đều thấy tận mắt. Hầu hết các em đều không còn tự lo cho mình được. Công việc nghe qua thì đơn giản, nhưng thật ra lại không dễ chút nào. Có khi cần hơn một tiếng đồng hồ để đút cho các em ăn xong một bát cháo nhỏ xíu. Nơi đây nghèo lắm, đồ ăn của các em không gì ngoài khoai và rau nấu nát nhừ ra như cháo. Nhiều em trông thật tội, đầu cổ cứ ngoẹo sang một bên, có em bại liệt cả cột sống, cả người nhũn hết ra, và không còn điều khiển nổi một cơ phận nào trên cơ thể. Một tay mình vịn nâng đầu em lên, tay kia thì mình vừa nhấp nhấp đụng vào cằm, vào miệng, thậm chí có khi đụng nhẹ vào lưỡi để kích thích các em nuốt. Nhiều trẻ không còn khả năng nuốt, mình phải vừa đút, vừa xoa cổ lên xuống, rồi vuốt ngực cho thức ăn dễ trôi xuống, và cuối cùng xoa bụng để giúp tiêu hóa. Có lần, một em bé ọe ra trên tay mình, nhão nhoẹt. Nhưng lúc ấy mình không cảm thấy ghê nữa, mà trong thâm tâm, mình lại cám ơn Thượng Đế là mình còn biết nuốt, biết nhai, biết ăn và còn cái hạnh phúc cảm nhận được thế nào là món ăn ngon hay dở.

3. Tâm tư thay đổi.

Ngày một, ngày hai trôi qua, mình bắt đầu nhận ra nhiều điều thay đổi trong tâm mình. Mỗi sáng, mình đứng nhìn dòng người dài ngoằn đang xếp hàng để được phân chia công tác. Có một hôm mình tò mò đứng đếm, trên 200 người mỗi ngày. Họ từ khắp nơi đổ về đây để làm từ thiện. Mình hỏi thăm, thì có người đến từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Chilê, Brazil, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, vân vân... và họ thuộc đủ mọi tôn giáo khác nhau. Ai ai cũng đều tự móc tiền túi ra để mua vé đến nơi này làm việc thiện. Mình đã tự hỏi rằng: "Tại sao? Công việc của các nữ tu trong Hội của Mẹ Têrêxa có gì mà hấp dẫn đến vậy? Hội chưa hề bao giờ quảng cáo, kêu gọi đóng góp, xin tiền... hay gì gì cả. Thế mà mọi người vẫn biết đến và tìm về". 

Mỗi Thứ tư đều có ngày “hướng nghiệp” (orientation day). Thành phố Calcutta có 7 cơ sở, nói cho oai chứ thật ra là 7 căn nhà được phân loại ra theo thành phần cần giúp đỡ: những bệnh nhân sắp chết, những người mắc bệnh AIDS, những trẻ em không có khả năng tự lo, những trẻ tật nguyền nhưng còn biết chút chút, vân vân...

4. Bí quyết sống vui.

Tối về mình không ngủ được, cứ tự hỏi tại sao trên đời có nhiều người bất hạnh đến thế và lại có nhiều người hy sinh đến vậy? Động lực nào đã giúp các sơ luôn luôn mỉm cười mỗi ngày và vui sống? Tò mò lắm, nên mình đã sống và làm theo y hệt công việc của một nữ tu hằng ngày. Bảy ngày trôi qua đã giúp mình tìm ra đáp số. Có đến 3 phần tạo nên câu trả lời đầy đủ nhất:

a- Nguyện cầu trong cuộc sống: Mỗi sáng sớm, các sơ đều tập trung tại nhà chính để đọc kinh và cầu nguyện. Các thiện nguyện viên đều vậy. Họ đến, không phân biệt tôn giáo, im lặng, ngồi bệt dưới đất và cùng nhau cầu nguyện. Họ cầu nguyện hết sức chân thành và liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Mỗi chiều sau khi xong công việc, các sơ lại họp nhau nơi đây và tiếp tục cầu nguyện trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi mới đi ngủ. Mình đã tham dự những buổi cầu nguyện như vậy, và lần nào mình cũng đều xúc động. Mình biết là ở trên cao, Mẹ Têrêxa luôn mỉm cười khi các con của Mẹ đã và đang tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Mẹ giao. Và mình hiểu ra rằng nhờ có sự che chở ban phước lành của Ơn Trên, các sơ mới làm được những điều vĩ đại ấy.

b- Sự đơn giản: Bạn cứ thử hình dung ra một buổi hội họp với hơn 200 người trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà không hề có một tiếng phone reo? Con người ở đây sống với sự đơn giản tuyệt đối. Không cell phone, không máy fax, không wifi, không computer, không laptop, không internet, cũng không cần texting hay iPod. Họ không có cả cái ghế để ngồi. Ghế của họ là sàn đất, không xi măng, không gỗ, không thảm. Bởi thế suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không lo toan, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ. Và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù ngày mai có đến.

c- Niềm vui tự có: Lúc mới tới đây mình gớm công việc giặt đồ quá đi. Đã có lúc muốn bỏ về. Nhưng khi tiếp xúc với các em, mình mới nhận ra là mình hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Mình không phải nghèo (the poor), còn họ lại là những người nghèo khổ nhất (the poorest). Họ không ăn được, không tự đái ỉa được, không tự lo được, thì còn gì là cuộc sống. Vậy mà đã có em bé nhìn mình cười. Nụ cười vô tư và dễ thương làm sao. Mình cười, nhưng tim mình thắt lại, và lòng mình chùng hẳn đi. Liệu em có hiểu biết gì không, có cảm nhận được gì không khi tặng mình nụ cười vô tư ấy? Có một buổi chiều khi làm xong hết việc, sắp đi về ngủ thì tình cờ mình trông thấy một bông hoa nở bên một khe lạch. Mình chạy lại xem ngay, và mừng rỡ đứng ngắm thật lâu bông hoa lạ kia. Hạnh phúc và niềm vui tự đâu cứ tràn về. Mình happy quá, vì mình còn đôi mắt để nhìn, để ngắm, còn đôi chân để chạy lại xem, còn hai tai để nghe tiếng nước chảy tí tách. Và mình chợt hiểu ra rằng niềm vui không phải là những trò game trên máy tính, không phải là những bữa ăn buffet anh ách cả bụng, cũng không phải là những text message cứ trao đổi nhau mỗi ngày xoành xoạch. Đừng tính toán cho cái tôi của mình nhiều quá. Khi không tìm thì niềm vui sẽ tự đến. Bảy ngày đã mang đến cho mình biết bao là niềm vui nho nhỏ...

Vui cứ đến mỗi ngày nho nhỏ

Như từng nụ hoa đỏ mọc bên hồ

Vui cứ đến tự bao giờ chẳng rõ

Như suối nguồn trăm ngách chảy trăm nơi...

5. Gặp gỡ các nữ tu.

Mình xin kể một kỷ niệm gây “shock” nữa đây. Hôm cuối cùng sắp sửa về, vì quá xúc động trước những điều tai nghe mắt thấy, mình và người bạn tìm đến gặp một nữ tu, nói lời từ biệt rồi ngỏ ý muốn đóng góp chút tiền cho hội. Sơ chỉ tay về phía mộ Mẹ Têrêxa và bảo tụi mình đến bỏ tiền vào thùng đó (nơi mộ Mẹ có một thùng nhỏ bằng gỗ, không hề khóa, để mọi người tùy hỉ đóng góp). Mình nói to: "Con giúp một ngàn đô!" (mà trong lòng đinh ninh rằng sơ tưởng mình tặng món tiền nhỏ nên mới bảo bỏ vào cái thùng ấy, chứ cả ngàn đô thì... lỡ ai rinh thùng đó đi luôn thì sao?). Sơ gật đầu và vẫn chỉ tay về hướng ấy. Mình lập lại lần nữa to hơn: “One thousand dollars!”. Sơ gật đầu, mỉm cười cúi chào rồi... tiếp tục rảo bước. Mình ngạc nhiên cùng cực, không lẽ nơi đây không ai tham và ăn cắp? Sau đó trên chuyến bay về lại Mỹ, mình có dịp trò chuyện với một thiện nguyện viên người Nga. Cô cho biết cô đã đến Calcutta đây là lần thứ ba. Khi mình kể lại món quà “một ngàn đô”, cô cười và giải thích: “Hội Missionary Sisters of Charity do Mẹ Têrêxa sáng lập có một câu phương châm, đó là: Không xin. Không từ chối (Ask for nothing. Refuse nothing). Nghĩa là: Chúng tôi không quảng cáo, không kêu gọi đóng góp. Nhưng nếu bạn có lòng, thì chúng tôi nhận tất cả những gì bạn tặng: tiền bạc, thời gian, công sức, một lời cầu nguyện, hay ngay cả một nụ cười”. Giờ nhớ lại, mình vẫn còn thấy ngượng cho danh tự xưng “nha sĩ từ Mỹ” mà mình tự khoe với mọi người, cũng như về món quà “to tát một ngàn đô” mà mình “sợ mất giùm cho các nữ tu”.

Có dịp trò chuyện với các thiện nguyện viên đến từ khắp nơi, mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một cô bé đến từ Trung Quốc, chừng hơn hai mươi tuổi, nói rằng cô đến đây là lần thứ hai. Mình tò mò hỏi lại: "Cô sống tại một nước cộng sản chưa đủ khổ hay sao mà còn tìm đến đây giúp đỡ?". Cô cười: “Có đến nơi này, tôi mới biết là không nơi đâu nghèo khó và cùng cực như ở Calcutta và cũng không nơi đâu có thể tìm thấy những con người hơn cả vĩ đại như các nữ tu nơi này”.

6. Có được một kinh nghiệm.

- Thế chuyến đi Ấn Độ vừa qua đã giúp anh Bình điều gì?

- Hai tuần ở hai thành phố nhỏ nơi miền Tây và miền Đông Ấn Độ đã tặng cho mình một kinh nghiệm sống tuyệt vời. Lúc rời Mỹ, tôi cứ tưởng mình tới đó để "dạy cho người ta, ban phước cho người ra, bố thí cho người ta". Hai tuần trôi qua, mình mới nhận ra là mình may mắn đã "học được rất nhiều từ người ta, được người ta ban phước và được người ta bố thí". Các nữ tu và những con người cùng khổ nhất trong những người nghèo khổ đã tặng cho mình một món quà vô giá: giúp mình hiểu thế nào là Hạnh Phúc Xả Ly. Con người ta thường cho rằng hạnh phúc là "Có": có tài sản, có quyền lực, có danh vọng, có địa vị... Khi chưa có thì muốn có, và làm đủ mọi cách để mà có. Khi có rồi thì sợ mất hay lại muốn đòi có cái khác cao hơn, mắc hơn, xịn hơn. Nếu không có thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.

Nhưng với các nữ tu nơi đây thì "không có" là một hạnh phúc. Họ nghèo hơn chúng ta nhiều lắm, vì tài sản của họ chỉ là hai bộ đồ và hai bàn tay trắng. Nhưng họ giàu hơn chúng ta biết bao, bởi họ thật sự có trái tim và tấm lòng.Và những người bất hạnh cũng vậy. Với họ, sống được thêm một ngày đã là một niềm vui. Có những em bé mồ côi khi mình tắm cho, em ôm lấy mình bi bô câu gì đó, rồi em cười hạnh phúc. Có những ông cụ gầy giơ xương khi được phát trái chuối thì bẻ ngay một mẩu cho vào miệng móm mém nhai một cách ngon lành. Có những bà cụ già bị bỏ rơi, khi mình kéo tấm chăn lên ngực thì bà nhắm mắt ngủ ngay một giấc thật ngon. Ở quốc gia này, chẳng thấy ai cần đến thuốc an thần hay thuốc trị trầm cảm. Phải chăng sự đơn giản đã giúp tâm hồn người dân nơi đây thanh thản hơn chúng ta?

Đi hai tuần trở về, mình nghiệm ra một điều rằng: Trong cuộc sống, có những thứ “Cho đi” là “Đón nhận”. Phải chăng hạnh phúc khi “Không” chính là “Có”? Nắm giữ cho nhiều rồi khi nhắm mắt thì Có cũng thành Không...

7 – Để kết:

Bạn tôi gửi bài chia sẻ của anh Bình cho tôi và nói rằng bài hay quá. Tôi cũng cảm nhận là bài hay thật và muốn chia sẻ rộng ra. Chỉ mong chứng tá của nha sĩ Bình thấm đượm trí óc và con tim độc giả để tự mình cũng cải hóa trong Mùa Chay này. Tôi chỉ có một đề nghị nhỏ là mỗi độc giả trong Năm Lòng thương xót này mỗi ngày dâng một kinh Kính mừng thôi, để cầu cho một người nghèo khổ nào đó hoặc trong gia đình, hoặc trong lối xóm, hoặc trong xã hội chung quanh mình,”khi nay và trong giờ lâm tử”.

Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng linh mục Cần thơ

Mùa Chay 2016



(Theo donboscoviet.net)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Sức mạnh của nụ cười [07.03.2019 03:40]
 Mẹ ơi, con yêu Mẹ! [08.05.2016 14:51]
 Nét đẹp cuộc sống [04.11.2015 11:10]
 Zuly Sanguino [10.08.2015 08:44]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số