NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Niềm tin không mỏi
29.01.2016 17:37

Niềm tin không mỏi

- Cô ơi, cô có đi ra Vạn Ninh không?

- Không, bà ạ.

- Chú có đi ra Vạn Ninh không chú?

- Dạ, không!

Bà lão ấy, năm nay đã gần bảy mươi.

Hồi nhỏ, mỗi lần gặp bà, tôi vui lắm, vì lần nào bà cũng cho cái kẹo, cái bánh, đôi khi là bọc mít thơm lừng bà phơi, múi mít qua mấy nắng khô queo, vừa dai vừa ngọt. Ngày ấy, bao giờ lễ xong bà cũng nán lại chờ tôi ra để cho quà. Mấy lần Chúa Nhật, tôi lười, ở nhà đi chơi, lại thấy mẹ đem về gói kẹo, bảo “bà gửi cho cái thằng nhác đi lễ, lần sau mẹ không mang về nữa đâu”. Tôi cười cười, xé kẹo ăn ngon lành. Bà là mẹ đỡ đầu tôi, hồi nhỏ mẹ bảo gọi bà là mẹ, tôi không chịu, vì bà già giống bà nội, bà ngoại tôi.

*

Ngày ông bà đứng trong nhà thờ hứa yêu thương nhau trọn đời trước Chúa, tụi nhỏ che miệng cười khúc khích “trên phim cô dâu chú rể mặc váy cưới đẹp lắm, không giống ông bà vậy đâu”. Bà không mặc váy cưới, áo dài bà mặc cũng không đứng dáng vì lưng đã còng, nhưng tôi thấy thời khắc ấy đẹp lắm! Người ta trẻ, người ta tự tin hứa sẽ giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời. Nhưng rồi người ta cũng bỏ Chúa, bỏ luôn người cùng đứng trong thánh đường hứa hẹn với mình đó thôi. Ông bà đã thực hiện trước lời hứa ấy bằng gần cả cuộc đời bên nhau rồi.

Giáo xứ tôi mới có nhà thờ và Cha xứ mấy năm trở lại đây, trước đây vẫn thường gọi là giáo xứ mồ côi, lâu lâu được đón Cha trong Huế về làm lễ, cả giáo xứ mừng quýnh, Cha thương con thiếu người chăn dắt, con thương Cha vất vả đường xa, vất vả làm lễ trong nhà nguyện bé tí, nắng gió Quảng Bình vừa nóng vừa khô. Nói là nhà nguyện chứ thật ra là gian nhà khách của ông nội tôi, cả giáo xứ không nhà thờ, không Cha xứ. Cứ đến Chúa Nhật, mọi người tập trung nhau lại trước bàn thờ Chúa to đẹp nhất xóm ở nhà ông nội, góp tiền mua thêm ghế nhựa để ngồi, ngồi trong nhà không đủ, thì ngồi ngoài sân. Tôi lúc đó không hiểu được ý nghĩa của ngày Chúa Nhật nhưng cũng ngồi im, không dám quậy phá trong khi mọi người sốt sắng lần hạt mân côi, đọc kinh ngày Chúa Nhật. Tiếng kinh đều đều vang lên trong xóm nhỏ, nuôi dưỡng đức tin nơi mảnh đất suốt mấy chục năm không nhà thờ, không Cha xứ.

Bà ở khác huyện tôi, cách nhau hai mươi cây số. Nhưng chẳng thấy có Chúa Nhật nào ông bà vắng mặt. Ngày cha về nhận coi sóc giáo xứ tôi và thêm ba giáo xứ nữa trong huyện, người già, người trẻ quây quần bên Cha, ông và bà cũng có mặt, bà bảo “biết là từ nay Chúa Nhật nào cũng sẽ được dự thánh lễ do Cha chủ trì nhưng mừng quá phải ra gặp Cha bằng được”. Vậy là từ nay giáo xứ mình hết mồ côi, vậy là sẽ được nghe Cha giảng lời Chúa, rồi tụi nhỏ sẽ được học giáo lý thường xuyên, rồi sẽ có nhiều người con trở lại với Chúa… Bà vừa nói vừa lau những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt nhiều nếp nhăn của con người đã chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc đời.
Bà có con cháu đề huề, nhưng chỉ có ông bà theo Chúa, những người con của bà lúc đầu phản đối, không cho ông bà đi lễ, vì ở nơi đó, không ai theo đạo Chúa, mọi người cứ nghĩ theo Chúa là vì ngày xưa theo giặc, rồi tới ngày giỗ của cha mẹ, ông bà không đặt mâm cơm cúng là bất hiếu, là bỏ ông bà tổ tiên, nhưng ông bà cương quyết không bỏ Chúa. Bà vừa khóc vừa nói:

- Các con đừng nghĩ mẹ không đốt vàng mã, không đặt cơm cúng trước bàn thờ ông bà là bất hiếu. Đâu cần đợi tới ngày giỗ ông bà mới nhớ ông bà, Chúa Nhật nào ba mẹ cũng xin lễ cho ông bà, ngày nào cũng cầu nguyện cho ông bà. Không ai thờ cúng ông bà tổ tiên nhiều hơn đạo Chúa đâu.
Trước sự sốt sắng ấy của ông bà, các con ông bà cũng dần chấp nhận để bố mẹ mình theo đạo, đi lễ. Bà hay nhắc tôi chăm chỉ học giáo lý, để sau này dù người ta có nói gì đi nữa, dù có nhiều thứ cám dỗ cũng không để mất đức tin, đức cậy, đức mến của mình. Bà hay tự trách mình chưa đủ tốt để làm con cái yêu mến và đi theo Chúa. Rồi, mấy lần người ta hỏi:

- “Sao không thấy bà Quý đi lễ vậy?”

- “Chắc bà không xin được xe, khổ thân!”

Ngày trước còn khỏe, ông chở bà bằng xe đạp để đến ngôi nhà nguyện nhỏ, nhưng bao giờ cũng đầy ắp người, những người con yêu Chúa. Sau này, ông yếu hơn, hai ông bà sắm chiếc xe đạp điện rồi cùng nhau đến gặp Chúa, rước Mình Máu Ngài. Nhưng rồi, ông bị tai biến, liệt nửa người, không thể cử động như trước được. Mấy lần được về quê nghỉ hè, gặp bà, tôi hỏi bà có trách Chúa không, bà cười, “Ông vẫn cùng đọc kinh sáng tối với bà, ông vẫn nói chuyện được, vậy đã là hồng ân to lớn của Chúa dành cho ông bà rồi”. Bà không biết đi xe nên những lúc con cháu được nghỉ bà nhờ chở đi, những lúc con cháu bận, bà lại ra ngoài đường xem có ai đi ra Vạn Ninh không để xin đi nhờ, có người cho, có người sợ chở người già phiền phức, lỡ có chuyện gì nên từ chối. Cứ như vậy, tầm 12 giờ trưa Chủ Nhật, người ta lại thấy một bà lão đứng bên vệ đường, xin đi nhờ xe cho kịp thánh lễ lúc 3 giờ chiều.

Cái nắng thiêu đốt mùa hè hắt hình người xuống mặt đường bé tí, gió Lào thổi xốc đám bụi khô xoáy vòng.

- Cô có đi ra Vạn Ninh không?

- Chú có đi ra Vạn Ninh không chú?

Giải viết văn đường trường 2016

Mã số: 16-023





BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Chuyện đời: Gieo và gặt [28.04.2019 17:49]
 Yêu! yêu! yêu! [18.04.2019 15:36]
 Paris có gì lạ không em? [16.04.2019 14:45]
 Đã bao mùa Chay qua [29.03.2019 22:49]
 Nỗi đau [24.03.2019 12:23]
 Tản mạn mùa Chay [10.03.2019 18:33]
 Khai bút đầu năm [06.01.2019 23:13]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số