NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Tại sao linh mục Công giáo cần sống đời độc thân?
17.07.2015 15:43

Tại sao linh mục Công giáo cần sống đời độc thân?

Thật lạ lùng, không có gì làm thiên hạ điên tiết cho bằng luật độc thân, dù rằng trong thực tế nó chỉ liên quan đến một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số tín hữu. Tại sao có luật độc thân?

Điều này liên quan đến một lời dạy của Chúa Kitô. Chúa nói, có những người vì Nước Trời từ bỏ cuộc sống hôn nhân và dùng cả cuộc sống mình để làm chứng cho Nước đó. Từ rất xưa Giáo Hội đã xác tín rằng, linh mục là người sống cuộc sống chứng nhân cho Nước Trời. Nhìn khách quan, Giáo Hội có thể dựa vào một sự kiện tương tự như thế trong Cựu Ước. Israel đến đất hứa. Mười một chi tộc được chia đất. Chỉ có chi tộc Lêvi, là chi tộc tư tế, không được chia đất, không được hưởng gia sản; gia sản của họ chỉ là Thiên Chúa. Có nghĩa là, con cháu của chi tộc này chỉ sống bằng bổng lễ, chứ không bằng canh tác đất đai như các chi tộc khác. Điểm quan trọng: Họ không có tư hữu. Thánh vịnh 16 viết: “Chúa là phần chén của tôi; tôi rút thăm được Ngài, Chúa là gia nghiệp của tôi“. Hình ảnh Cựu Ước về chi tộc linh mục không có đất, chỉ sống vì Chúa, và nhờ vậy, mới làm chứng được cho Ngài, sau này, kết hợp với Lời của Đức Kitô để có thể tóm tắt như sau: Gia nghiệp cuộc đời của linh mục là chính Chúa. Ngày nay chúng ta khó quan niệm nổi cái lối từ bỏ đó, là vì cái nhìn về hôn nhân và con cái đã đổi nhiều. Xưa kia, chết mà không có con nối dõi là sống thừa. Đời tôi không để lại dấu vết gì và tôi hoàn toàn tiêu tan. Trái lại nếu có con cháu, cuộc sống của tôi sẽ được tiếp nối nơi con cháu. Đó là một hình thức bất tử tôi đạt được qua con cháu. Vì thế, điều tiên quyết cho cuộc sống, là phải có con cháu để vẫn được tiếp tục tồn tại trong thế giới những kẻ hằng sống. Với quan điểm đó, từ bỏ hôn nhân và gia đình phải hiểu là: tôi đang từ bỏ cái dưới con mắt loài người không những thường tình nhất, mà còn quan trọng nhất. Tôi từ bỏ việc cung cấp thêm con người vào cây gia phả, từ bỏ sở hữu một mảnh đất riêng và chỉ sống với niềm tin rằng gia nghiệp của tôi là Chúa, và nhờ đó tôi làm cho người khác tin rằng Nước Trời là có thật. Như vậy tôi không chỉ làm chứng cho Chúa Kitô và Phúc Âm bằng lời nói, nhưng bằng cả cuộc sống đặc thù của tôi và sẵn sàng dâng cuộc sống tôi cho Ngài toàn quyền sử dụng. Như vậy độc thân mang ý nghĩa vừa Kitô học vừa Truyền thống. Sống độc thân chẳng phải đơn giản là để tôi có thêm giờ cho người khác vì chẳng phải lo cho vợ con. Nói như thế là quá tầm thường và thực dụng. Đây là một cuộc sống hoàn toàn hiến dâng cho Chúa và từ bỏ chính cái thông thường vẫn làm cho sự hiện hữu của con người tăng trưởng và đâm hoa kết trái đồi dào trong tương lai.

Nhưng đây không phải là một tín điều. Biết đâu một ngày nào đó vấn đề này được đem ra thảo luận trong chiều hướng có thể tự do lựa chọn giữa hình thức sống độc thân hay không độc thân?

Đúng, đây rõ ràng không phải là một tín điều. Đó là một lối sống quen thuộc đã định hình rất sớm trong Giáo Hội với những lý do vững chắc từ nguồn Kinh Thánh. Những nghiên cứu mới đây cho thấy các hình thức sống độc thân đã bắt đầu rất sớm, ngay từ thế kỷ thứ II, trước cả thời điểm thường được trưng dẫn qua các nguồn pháp lý. Cả ở Đông phương lối sống này đã phổ biến rộng hơn chúng ta vẫn tưởng. Bắt đầu từ thế kỷ thứ VII thì Tây và Đông mới phân rẽ đôi đường. Bên Đông phương, nếp sống dòng tu (không lập gia đình) trước sau vẫn là cột trụ của giới linh mục và của hàng giáo phẩm. Vì thế độc thân vẫn mang giá trị lớn ở đó. Độc thân không phải là tín điều. Mà chỉ là một lối sống hình thành tiệm tiến trong Giáo Hội và luôn đứng trước cơ nguy sụp đổ. Đòi hỏi càng cao, nguy cơ vấp ngã càng lớn. Tôi nghĩ người thời nay đả phá độc thân là vì họ thấy nhiều linh mục tự thâm tâm không chấp nhận nó, nên hoặc là sống giả hình, không đứng đắn hoặc tỏ ra khốn khổ với nó và hay than van về nó… rằng nó hủy hoại con người …

Thời nào cũng thế, đức tin càng hao mòn thì càng nhiều vấp ngã. Vì thế độc thân mất đi khả tín, ý nghĩa cốt lõi của nó bị chìm lấp. Nhưng một điều ta cần phải rõ, lúc độc thân khủng hoảng thì cũng là lúc hôn nhân khủng hoảng. Bởi vì như ta thấy thời nay, không chỉ độc thân mà cả hôn nhân, là nền tảng của xã hội, cũng ngày càng rạn vỡ. Trong luật pháp ở các quốc gia Tây phương, ta thấy càng ngày hôn nhân càng bị đặt ngang hàng với những hình thức sống khác và như thế có thể nói hầu như nó mất hình thức pháp lý. Cố gắng sống cuộc sống hôn nhân cho đúng nghĩa cũng không đơn giản hơn việc giữ độc thân. Thực tế mà nói, bỏ độc thân linh mục thì ta lại phải đối diện với một vấn nạn khác: linh mục li dị. Giáo hội Tin lành biết rõ điểm này. Như thế, ta thấy những hình thức sống cao quí của nhân loại hàm chứa sẵn những nguy hiểm lớn lao. Kết luận đầu tiên là, ta phải luôn học cách gia tăng lòng tin, chứ không phải cứ than vãn rằng tôi không thể giữ nổi nữa. Thứ đến, phải tuyển chọn ứng viên linh mục kỹ hơn. Vấn đề là ứng viên linh mục hoàn toàn tự nguyện sống đời độc thân, chứ không phải cứ đơn giản nói, tôi muốn trở thành linh mục, đời độc thân tôi sẽ kéo lê theo. Hoặc là nói, không sao, tôi không để ý nhiều đến đàn bà con gái, tôi sẽ cáng đáng nổi vấn đề này. Đó không phải là một khởi đầu tốt. Ứng viên linh mục phải nhận chân được đức tin là nguồn lực sống cho đời mình và họ phải biết mình chỉ có thể sống như vậy trong đức tin mà thôi. Có như thế, đời độc thân mới trở thành một chứng tá; có như thế mình mới có thứ nói cho người khác, và mới thúc đẩy họ thêm can đảm trong cuộc sống hôn nhân. Hai định chế tương quan mật thiết với nhau. Không thể trung thành trong trường hợp này thì cũng không thể trung thành trong trường hợp kia; trung thành của cái này nâng đỡ cái kia.

Phải chăng ngài hơi quá lời khi cho rằng khủng hoảng của độc thân và khủng hoảng của hôn nhân liên quan với nhau?

Đối với tôi thì quá rõ. Trong cả hai trường hợp, vấn đề đều là quyết định dứt khoát cho cả cuộc đời, tự trong thẳm sâu nhân tính của đương sự: Giờ phút này, tạm cho là vào tuổi 25, liệu tôi có thể định đoạt cho cả cuộc đời tôi không? Điều này phù hợp với con người không? Có cách nào để vượt thắng, để hăng say thăng tiến và trưởng thành trong chọn lựa đó; hay là tôi luôn phải chuẩn bị tư thế cho những chọn lựa mới? Trên cơ bản, câu hỏi đó có nghĩa là phải chăng con người có thể quyết định dứt khoát một lần về một chuyện hệ trọng cho cuộc đời? Khi quyết định cho mình một lối sống, con người có khả năng gánh vác sự ràng buộc dứt khoát đó không? Ở đây tôi muốn nói tới hai điểm: Thứ nhất, người đó có thể trung thành với quyết định của mình chỉ khi nào họ bám rễ sâu trong đức tin; và thứ hai, như thế người đó mới yêu và trưởng thành trọn vẹn. Chỉ lo chuyện một vợ một chồng thôi thì quá ít cho con người.

Nhưng, nếu số liệu về sự sa ngã trong đời độc thân đáng tin, thì đời độc thân trên thực tế đã thất bại. Xin hỏi lại lần nữa: Liệu mai đây chuyện độc thân linh mục có thể được thảo luận theo hướng tự do chọn lựa hay không?

Dù sao cũng phải là một lựa chọn tự do. Trước khi chịu chức, ứng viên phải xác định bằng lời thề là mình hoàn toàn tự do quyết định và ước muốn. Bởi thế, tôi luôn thấy khổ tâm khi nghe người ta sau đó lại phàn nàn rằng đấy là đời độc thân bó buộc và người ta đã cưỡng ép chúng tôi. Nói thế là mâu thuẫn với lời hứa ban đầu. Trong việc đào luyện chủng sinh, phải hết sức lưu ý để các ứng viên nghiêm túc nhìn nhận lời thề này. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là hễ nơi đâu đức tin sống và sống đức tin đó với Giáo Hội, ở đó sẽ nảy sinh sức mạnh để giữ lời thề. Tôi tin rằng, bỏ điều kiện độc thân đi cũng chẳng có gì tốt đẹp hơn, mà thực ra chỉ che lấp một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng. Quả là một thảm kịch cho Giáo Hội khi có nhiều người sống nước đôi. Nhưng tiếc rằng, đây không phải là lần đầu tiên. Vào cuối thời Trung cổ, Giáo Hội cũng đã gặp phải tình trạng đó và đó cũng là một phần nguyên do đưa đến cải cách Tin Lành. Dù sao đây cũng là một bi kịch, khiến phải suy nghĩ thật kỹ, nhất là để giúp cho những ai đang phải đau khổ thật sự vì nó. Tuy nhiên, đa số các Giám mục trong cuộc họp thượng hội đồng vừa qua đều cho rằng, căn nguyên đích thực chính là cuộc khủng hoảng đức tin; nếu bỏ độc thân thì linh mục cũng không nhiều hơn hoặc tốt hơn, nhưng chỉ che đậy cuộc khủng hoảng đức tin và chúng ta chỉ lừa gạt mình với những giải đáp hời hợt.

Xin hỏi lại một lần nữa: Ngài có nghĩ rằng sẽ có ngày linh mục có thể lựa chọn giữa độc thân và không độc thân không ?

Tôi đã hiểu ý của ông. Ở đây tôi phải nói rõ thêm là, theo như lời thề của mỗi ứng viên linh mục trước lúc chịu chức thì không có việc cưỡng bách độc thân. Chúng tôi chỉ nhận vào hàng linh mục những ai tự nguyện mà thôi. Một câu hỏi cần đặt ra ở đây: Tương quan giữa chức linh mục và độc thân sâu đậm như thế nào? Phải chăng việc chỉ muốn chọn một thứ mà thôi có nghĩa là đã đánh giá thấp chức linh mục? Ở đây chúng ta không nên thiếu cân nhắc nhìn sang Giáo hội Chính thống và Tin lành. Tin lành có quan điểm về chức vụ hoàn toàn khác: Đó là một chức năng, một chức vụ do cộng đoàn trao phó, nhưng không theo nghĩa một bí tích, không phải chức linh mục theo đúng nghĩa. Trong Giáo Hội Chính thống ta thấy, một đàng có đầy đủ hình thức của chức linh mục, đó là những linh mục dòng tu, chỉ những người này mới có thể trở thành Giám mục. Bên cạnh đó có “linh mục nhân dân“, những vị này nếu muốn lập gia đình thì phải lập trước khi chịu chức và công việc của họ hầu như chẳng dính dáng gì đến việc mục vụ, mà chỉ trông coi việc phụng tự mà thôi. Đó cũng là một quan niệm khác về linh mục. Trái lại chúng tôi quan niệm rằng, là linh mục thì cũng phải là theo cách thức như một Giám mục, và không thể có kiểu phân biệt như ở Chính thống giáo. Không nên coi bất cứ hình thức sống quen thuộc nào của Giáo Hội là hoàn toàn tuyệt đối, dù chúng ta đã bám rễ sâu và có lý do vững chắc đến đâu đi nữa. Vì vậy, vấn đề luôn còn được mang ra bàn thảo, như trong hai cuộc họp thượng Hội Đồng Giám mục vừa qua. Nhưng tôi nghĩ, xét từ toàn bộ lịch sử Kitô giáo phương Tây và từ cái nhìn nội tâm dựa trên toàn bộ lịch sử này, thì Giáo Hội chẳng dễ gì đạt được nhiều, trái lại chắc chắn sẽ có mất mát nếu bỏ luật độc thân.

Như vậy có nghĩa là ngài không tin rằng mai đây sẽ có linh mục lập gia đình?

Chắc chắn không có trong tương lai gần. Nhưng tôi cũng phải thành thật nói với ông rằng, chúng tôi đã có linh mục lập gia đình, đó là các linh mục Anh giáo hoặc những mục sư thuộc các Giáo Hội Tin lành đã trở lại Công giáo. Nghĩa là, có thể có trong những trường hợp đặc biệt và chỉ là trường hợp đặc biệt mà thôi. Và tôi thiết nghĩ trong tương lai cũng chỉ là những trường hợp đặc biệt mà thôi.

Phải chăng phải bỏ luật độc thân, vì nếu không Giáo Hội sẽ không có thêm linh mục?

Tôi không tin lập luận này đúng. Vấn đề mầm non linh mục có nhiều mặt. Trước hết nó có liên hệ với việc giảm sinh. Ngày nay trung bình mỗi gia đình có 1,5 con, nên vấn đề số người có thể làm linh mục được đặt ra khác hẳn với thời số con trong mỗi gia đình cao hơn. Và trong gia đình cũng có những ước vọng hoàn toàn khác. Ngăn trở chính trong việc tu trì ngày nay đến từ cha mẹ, vì họ có những ước vọng khác nơi con cái. Đó là một điểm. Điểm thứ hai là con số tín hữu nhiệt thành cũng giảm, và vì thế lượng cung cấp nhân sự cũng nhỏ lại. Nếu như đưa hai yếu tố trên vào con số thì lượng ứng viên linh mục ngày nay cũng không thấp hơn ngày xưa. Bởi thế phải lưu ý đến tương quan này. Do vậy câu hỏi tiên quyết là: Có tín hữu không? Rồi mới đến câu hỏi thứ hai: Tập thể tín hữu đó có làm nảy sinh các ơn gọi linh mục không?

 

ĐỐI THOẠI CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI, TRONG TÁC PHẨM "MUỐI CHO ĐỜI".

 



BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]
 Ý nghĩa dây pallium [18.02.2022 14:10]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số