NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa
02.07.2015 10:34

Xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa


Hôm nay, 1-9-2010, gia đình giáo phận Sàigòn quy tụ tưởng niệm Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài (1-9-1910). Và chúng ta muốn quy tụ về đây, trong ngôi nhà nguyện ấm cúng của Đại chủng viện thánh Giuse, vì nơi đây có phần mộ của Đức Cố Tổng Phaolô, nơi an nghỉ mà chính ngài mong muốn.

Trong truyền thống Kitô giáo, tưởng niệm không chỉ là hoài niệm về quá khứ nhưng còn là hiện tại hóa quá khứ và phóng tới tương lai. Cách nhìn này bắt nguồn từ trong Thánh Kinh. Trong sách Xuất Hành, Môsê căn dặn dân Israel về cách cử hành lễ Vượt Qua : “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là quy luật cho đến muôn đời” (12,14). Khi cử hành lễ tưởng niệm này, Dân Chúa không chỉ nhớ về một quá khứ xa xăm nhưng theo sách Mishnah, họ phải cử hành “như thể chính họ đã được thoát khỏi Ai Cập, thoát cảnh nô lệ để đến tự do, từ khổ đau đến vui mừng, từ buồn sầu đến lễ hội, từ tối tăm đến ánh sáng, từ ngục tù đến ơn cứu độ” (Pesah 10.5). Nói cách khác là hiện tại hóa lễ Vượt Qua, vì nếu không có hành động của Thiên Chúa giải thoát tổ tiên cha ông họ trong quá khứ, thì làm sao có tự do ngày nay, và hơn nữa, làm sao có chính hiện hữu của họ. Đồng thời, hiện hữu và tự do đó còn cần được Thiên Chúa tiếp tục dẫn đưa cho đến hoàn thành. Cho nên tưởng niệm không chỉ là hoài niệm mà còn là hiện tại hóa quá khứ và hướng tới tương lai.

Dựa trên truyền thống đó, thánh Toma Aquino đã giải thích bí tích Thánh Thể như signum rememorativum (dấu chỉ tưởng nhớ hành động cứu độ đã xảy ra trong quá khứ), signum demonstrativum (dấu chỉ ơn cứu độ đang diễn ra trong hiện tại) và signum prognosticum (dấu chỉ loan báo bữa tiệc cánh chung trong Nước Chúa). Nghĩa là bao hàm cả ba chiều kích thời gian : quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hiểu như thế, cách nào đó, việc tưởng niệm Đức Cố TGM Phaolô cũng không chỉ là hoài niệm quá khứ nhưng còn là làm cho ký ức về ngài trở thành sống động trong hiện tại và để tinh thần của ngài tác động tới tương lai. Vậy ký ức nào và tinh thần nào nơi Đức Cố Tổng cần được khơi dậy cho hôm nay và tương lai ? Có thể có những cách nhìn khác nhau về cuộc đời một con người, nhưng hi vọng nhiều người sẽ đồng cảm và đồng thuận khi nói đến Đức Cố Tổng như con người của hòa bình và con người tha thiết với sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu.

Trong Thánh Lễ an táng Đức Cố Tổng Phaolô, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, một người bạn thân thiết của Đức Cố Tổng, đã nói lên những suy nghĩ và tâm tình vẫn còn đọng lại trong tâm hồn nhiều người. Ngài nói : “Thiên Chúa đã ban cho ngài một cái tên đúng là thiên định. Tên ngài là Bình, bình an, và đời sống của ngài đã thể hiện sự bình an không chỉ ở bản thân mình mà còn ban phát cho xã hội”. Rồi dựa vào định nghĩa của thánh Toma Aquino về hòa bình là “sự an nghiêm trong trật tự”, Đức Cha Giacôbê đã cho thấy niềm bình an đích thực phải được bắt nguồn từ trong tâm hồn, nhờ đó có được bình an và trở thành khí cụ bình an trong mọi hoàn cảnh : “Trong những hoàn cảnh dầu xao động đến đâu đi nữa giữa Chính quyền, giữa Giáo quyền, thì ngài vẫn như một dòng nước sâu thẳm, dù trên mặt có dao động thế nào, vẫn giữ được sự bình an”.

Cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, thư ký riêng của Đức Cố Tổng Phaolô trong những năm cuối đời ngài, cũng đã nhắc lại sự kiện hiển nhiên khi Đức Cố Tổng nằm xuống. Anh chị em tín hữu từ khắp nơi trong giáo phận đổ về Nhà thờ chính tòa để kính viếng, và không ai bảo ai, hầu như đoàn nào nhóm nào cũng hát Kinh Hòa Bình : “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Lại chẳng phải là cảm nhận chung của mọi người khi nhìn vào con người, cuộc sống và cách ứng xử của Đức Cố Tổng hay sao?

Ngoài ra, như Đức Cha Giacôbê đã nhận xét, Đức Cố Tổng Phaolô không những thể hiện sự bình an nơi bản thân ngài, nhưng niềm bình an ấy còn là Tin Mừng mà ngài nỗ lực loan báo cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Làm việc tại Nhà thờ chính tòa nhiều năm dưới thời Đức Cố Tổng Phaolô, hằng ngày mỗi khi vào nhà thờ, tôi đều nhìn thấy huy hiệu giám mục của ngài với dòng chữ Euntes docete (Hãy đi giảng dạy). Đó là mệnh lệnh Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh trước khi về trời và chắc chắn cũng là mối bận tâm lớn nhất của vị giám mục đã chọn mệnh lệnh đó làm châm ngôn cho đời giám mục của mình.

Dù sống trong hoàn cảnh nào, sứ mạng lớn nhất của người tông đồ, nếu không nói là duy nhất, vẫn là làm sao có thể loan báo Tin Mừng, rao giảng Chúa Kitô cho mọi người. Nhìn lại và suy nghĩ về những chọn lựa và cách ứng xử của Đức Cố Tổng Phaolô trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể thấy tất cả đều phát xuất từ mối bận tâm là làm sao loan báo Tin Mừng cho mọi người. Và không thể không nhớ đến lời thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay, lời nhắn nhủ dành cho Timôthê và Đức Cố Tổng cũng coi như lời nhắn nhủ cho chính mình vì ngài đã nhận thánh Phaolô làm thánh bổn mạng : “Anh hãy gạt ra một bên những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ. Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ… Dù thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, hãy rao giảng Lời Chúa… Sẽ đến một thời người ta không chịu nghe giáo lý lành mạnh nhưng chạy theo dục vọng của mình, kiếm tìm bọn người khéo nói, làm cho họ vui tai. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tim 2,23; 4,2-5).

Tinh thần hòa bình và nhiệt tâm với việc loan báo Tin Mừng, đó chẳng phải là những ký ức cần khơi dậy và đẩy mạnh trong đời sống giáo phận chúng ta đó sao?

Xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một vị mục tử hiền hòa, khả ái và khả kính. Xin cho tinh thần hòa bình và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng bình an nơi vị mục tử hiền hòa này tiếp tục được củng cố và phát huy trong đời sống giáo phận chúng con.

 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 



Gm. Phêrô Nguyễn Văn Kh

(Theo WSG)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số