NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Đồng hành với dự tòng
10.08.2014 07:21

Đồng hành với dự tòng

 

Dự Tòng, bạn là ai?

Theo cách hiểu thông thường, dự tòng là một người lớn muốn theo đạo. Họ tìm đến với một giáo xứ, xin được giúp đỡ để học đạo và sau đó lãnh nhận các Bí tích Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh thể.

Tuy nhiên, để nhìn và hiểu rõ hơn những yếu tố căn bản ẩn chìm dưới việc làm trên đây, chúng ta cần ghi nhận 4 đặc trưng của tình huống dự tòng :

1. Đây là những người lớn bắt đầu tìm hiểu niềm tin. Họ đứng ở chặng khởi động, bước đầu khám phá niềm tin Kitô giáo. Họ khác với những người, đã được thánh tẩy từ lâu, nay muốn tìm hiểu thêm niềm tin để trả lời cho những thắc mắc của mình.

2. Họ là những con người tự nguyện tiến bước hướng đến niềm tin. Họ quan tâm tìm kiếm và tiến bước theo hướng này. Thoạt đầu, động tác này có thể còn mập mờ, chưa rõ, đôi khi hàm hồ. Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ là một yếu tố của việc đồng hành, nhằm giúp làm rõ, soi sáng, đào sâu và biến đổi.

3. Họ là những người lớn muốn lên đường, sẵn sàng dành thời gian và đi theo một lộ trình tiệm tiến. Lộ trình này trước hết không phải là trình tự theo đề tài, hay trong chương trình giáo lý kinh thánh, luân lý, phụng vụ. Đúng hơn, lộ trình này là tiến trình từng bước đi theo / đi lên với những bước qua ngưỡng, những thời gian và giai đoạn với những quyết định chọn lựa theo nhịp cá nhân khám phá và tiếp nhận niềm tin. Viễn ảnh đề cập ở đây liên quan tới quá trình hoán cải, theo đó có sự thay đổi và dấn thân của toàn thể con người dự tòng. Đây là viễn ảnh lý tưởng của tiến trình dự tòng. Đôi khi mới chỉ là một khúc đường ngắn với vài ba cuộc gặp gỡ, chưa đi tới ngay quyết định lãnh nhận bí tích, dù sao cũng có một giá trị nhất định.

4.Họ là những người lớn đến với Giáo hội, qua trung gian của người này hay nhóm nọ. Cho nên, đây là một hành trình chung, cùng nhau thực hiện trong Giáo hội. Kinh nghiệm cộng đồng trong đồng hành dự tòng là môi trường tìm kiếm, phát sinh và tăng trưởng của lòng tin. Nhờ có trải nghiệm này mà người dự tòng khám phá ra Giáo hội, được Giáo hội nhận biết và từng bước tìm thấy chỗ của mình trong Giáo hội.

ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC DỰ TÒNG NHƯ THẾ NÀO?

Thực hiện việc đồng hành với dự tòng có thể tiến triễn theo 04 hành động sau đây:

1. đón tiếp nhau

2. nối kết tương quan

3. đối thoại

4. cử hành hay họp mừng

1.Đón tiếp nhau

a. Đón tiếp là một thái độ thân thiện và nồng ấm, tạo nên một bầu khí thiện cảm và tin tưởng, giúp gặp gỡ và đối thoại.

b. Nhưng đón tiếp không chỉ là nhận vào nhà mình, mà còn là đi tới với người khác, ở đây là người dự tòng để gặp gỡ họ trong chính cuộc sống của họ. Như vậy, việc đón tiếp không chỉ có một bên, mà còn là để cho mình được phía bên kia đón tiếp trong nhà của họ, trong thế giới của họ nữa.

  • Xem gương Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau (Luca 24)
  • Do đó, cần để ý tới cách thức đón tiếp : nơi chốn, thời gian, ngôn ngữ và văn hóa.

c. Tại sao cần đón tiếp nhau ?

  • Để tạo điều kiện cho người dự tòng bày tỏ ý muốn đến với đạo, động lực thúc đẩy họ. Đừng phê phán, nếu lối diễn tả còn vụng về. Nhưng hãy cố gắng khám phá ước muốn sâu xa bên dưới. Không nên đặt câu hỏi "Tại sao?", mà nên hỏi " Làm sao, bằng cách nào anh/chị có ý định tìm hiểu đức tin? Từ khi nào?...
  • Mở rộng tầm nhìn của người dự tòng. Việc đón tiếp lẫn nhau, giúp làm rõ động cơ theo đạo và kể lại quá trình đưa tới việc xin tìm hiểu biểu lộ sự tin tưởng và tôn trọng, sự tự do, tình huynh đệ. Đây là bước đầu giúp người dự tòng nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa trong đời mình và, nhờ vậy, bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.

2. Nối kết tương quan

a. Đón nhận người dự tòng bằng cách quan tâm đến con người toàn diện của họ, nghĩa là đời sống của họ với những người chung quanh: gia đình, bạn bè, đống nghiệp…Có những người ủng hộ họ trong việc đến với Đạo, mà cũng có những người phản đối…

  • Gương Chúa Giêsu gặp gỡ ông Gia Kêu hay phụ nữ Samaria : Chúa không chỉ nhìn thấy hai cá nhân, mà còn quan tâm đến đồng nghiệp của ông Gia kêu và dân làng Samaria.

b. Hướng người dự tòng đến với những tương quan mới : Giáo lý viên đến với người dự tòng không phải với tư cách cá nhân, nhưng là người của Giáo hội, của cộng đòan Kitô hữu.

  • Trong mối tương quan này, việc tìm hiểu và khám phá phải được thực hiện từ hai phía : người dự tòng khám phá Giáo hội và những con người trong Giáo hội; còn cộng đòan giáo hội khám phá con người dự tòng với những vấn nạn, tương quan và khó khăn của họ để cùng với họ đi vào Hội thánh và cùng nhau xây dựng Hội thánh.

c. Nối kết tương quan: Hai câu hỏi được đề ra :

  • Có những ai quen biết người dự tòng có thể nâng đỡ họ trên đướng tìm gặp Chúa?
  • Người dự tòng có thể liên hệ với ai để hiểu biết cộng đoàn và dần dần tìm thấy chỗ đứng của mình trong cộng đoàn ? (người bảo lãnh hay đỡ đầu, nhóm giáo lý viên, tham gia các sinh hoạt của giáo xứ…).

3. Đối thoại

Thường tình chúng ta nói: muốn theo đạo phải học giáo lý. Người dự tòng chờ đợi những bài học, một số kiến thức, còn giáo lý viên thì tự coi mình là người thầy, một người ban phát sự hiểu biết.

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng: đồng hành với dự tòng căn bản là giúp người ấy có được một kinh nghiệm về đức tin, đi xa hơn trong việc hoán cải theo Chúa Kitô và gặp được Ngài như một Đấng Sống.

Kiến thức nhằm giải tỏa những thắc mắc, soi sáng cuộc sống và nhận biết những gì cần tiếp tục khám phá và đem ra sống, nhưng chẳng thể thay thế cho một cuộc gặp gỡ cá nhân.

a. Cùng nhau tìm kiếm

Chúng ta cần quan tâm đến những gì người dự tòng thắc mắc và mong đợi trong bối cảnh kinh nghiệm sống của họ, để trao đổi và cùng nhau tìm ra câu trả lời.

Đó là trao đổi về ý nghĩa cuộc sống và những lý lẽ sống niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sống dưới ánh sáng những lời của Đức Giêsu mà chúng ta tin là Thiên Chúa và là đấng ban cho mình niềm vui sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Vì thế:

  • cần có khả năng lắng nghe : giáo lý viên cố gắng bắt gặp người dự tòng trong cuộc sống riêng của họ, trong cách họ nhìn cuộc đời, tiếp cận những mầu nhiệm đức tin và mức độ họ được Chúa Kitô cũng như Tin mừng lôi cuốn.
  • cần có khả năng diễn đạt một cách cá nhân, như một chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm sống niềm tin của mình, một niềm tin qui chiếu về niềm tin của cộng đoàn Hội Thánh.

b. Một hành trình hoán cải

Giáo lý viên phục vụ cuộc gặp gỡ này giữa người dự tòng với Chúa, là Đấng mình tin luôn hiện diện và hành động ở đây, lúc này.

Sẽ tới một lúc xảy ra sự đổi ngược, sự hoán cải: người dự tòng sẽ rời bỏ kế hoạch mình xây dựng cho đời mình để đón nhận hồng ân và hành động do Thiên Chúa khởi xướng cho mình: trước đây họ đã đi tìm kiếm Thiên Chúa, họ muốn tin, thì nay họ khám phá chính Thiên Chúa đi tìm họ, và họ cần lắng nghe Ngài.

Còn giáo lý viên cũng sẽ" hoán cải" khi nhận ra hành động của Thiên Chúa trên các dự tòng: họ tôn trọng người dự tòng và tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các dự tòng. Vì thế cần đảm bảo một bầu khí tin tưởng, tôn trọng và tự do, giúp người dự tòng tự lập và trách nhiệm trong việc chọn lựa và quyết định.

Tóm lại, hành trình dự tòng không nhắm tới việc gia tăng kiến thức cho bằng việc hoán cải, một sự chuyển đổi xảy ra nơi bản thân người dự tòng, trong trí khôn và con tim của họ, trong cuộc sống với người khác và trong chính lịch sử đời mình.

c. Lắng nghe Lời Chúa

Hành trình dự tòng đòi hỏi gặp gỡ, lắng nghe, thích nghi với hòan cảnh từng người, nhưng đồng thời cũng đi theo một tiến trình suy nghĩ và tìm hiểu Lời Chúa. Thêm vào đó còn có việc cầu nguyện, nhìn lại đời sống và những buổi cử hành Lời Chúa.

Trình tự rao giảng Lời Chúa có thể được thực hiện như sau:

  • Giai đoạn 1: Khám phá những nét căn bản của niềm tin và giải tỏa những thắc mắc ban đầu.
  • Giai đoạn 2: Khám phá Đức Giêsu: con người, cuộc sống, giáo huấn, tính cách thời sự của Ngài, nguồn gốc do thái.
  • Giai đoạn 3: Khám phá Giáo hội và các bí tích (Thánh tẩy và Thánh Thể)
  • Giai đọan 4: Trở lại với những khám phá căn bản để đi sâu hơn nhằm củng cố những gì đã được sống.

4. Cử hành hay Họp Mừng

Những chặng đường được đánh dầu bởi nghi lễ.

Hành trình người dự tòng đến gặp gỡ Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài được cử hành cách tiệm tiến.

a. Theo truyền thống, con đường dẫn tới đức tin được đánh dấu bởi 3 chặng :

  • Tiếp nhận vào trong Giáo hội
  • Tuyển chọn để được gia nhập Giáo hội
  • Tiến hành các bí tích nhập đạo

b. Các chặng này là những thời điểm mạnh, đánh dấu hành trình dự tòng và sự thay đổi của đương sự trên bước đường hoán cải, từng bước tham gia vào đời sống của Giáo hội. Các cử hành này cũng giúp người dự tòng tạ ơn tình yêu của Thiên Chúa là đấng họ đã khám phá cùng với những người khác trong Giáo hội.

c. Ý nghĩa của các cử hành

  • Đối với người dự tòng. Các nghi lễ đánh dấu hành trình dự tòng cung cấp cho họ những điểm qui chiếu thiêng liêng, cá nhân, xã hội và giáo hội. Đó là điểm nối kết giữa việc họ ao ước lãnh nhận và tiếng mời gọi của Giáo hội lắng nghe họ. Qua đó, người dự tòng nhìn nhận Giáo hội và đồng thời, cũng được Giáo hội nhìn nhận.
  • Đối với Giáo hội. Các lễ nghi đánh dấu hành trinh dự tòng gây ý thức cho cộng đoàn Kitô hữu về sứ mạng loan báo tin mừng của mình và bổn phận không ngừng hoán cải. Giáo hội cũng nhìn nhận lòng tin đang lớn lên nơi người dự tòng và nhận biết mình đang mang Chúa Kitô cho người khác.
  • Đối với những người chung quanh : Những người ngoài Kitô giáo có thể khám phá rằng mọi người đều có thể đến với đức tin, rằng đây là một con đường, không chỉ việc gia nhập vào một tổ chức có sẵn, nhưng là tham gia vào một cộng đoàn sống động luôn tiến triển.Tin Vui (tháng 7/2012 – Tuần lễ Giáo Lý TGP. TP.HCM)

Tài liệu tham khảo



(Theo bangiaoly.org)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Giáng Sinh nơi tuyến đầu [28.12.2021 05:37]
 Nhà thờ và Pokémon Go [27.08.2016 23:57]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số