NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Tản mạn chuyện đọc sách
18.05.2014 06:34

Tản mạn chuyện đọc sách

 

Ai nói Sài Gòn chỉ là nơi ồn ào náo nhiệt, nơi phồn hoa đô hội? Không, Sài Gòn vẫn có những không gian riêng rất tĩnh lặng: “Một ngõ vắng xôn xao, nằm trong thành phố lớn”, một góc sân nhà thờ yên ắng, một quán cà phê ven đường tĩnh lặng cho dù bên ngoài dòng người vẫn cứ náo nhiệt, ồn ào khói xe…

Vâng, có nhiều nơi mang đến cho bạn những hoài niệm khó quên. Hãy thử một lần bước vào một tiệm sách cũ, bạn sẽ được sống trong không gian một thời quá khứ xa xưa, tận hưởng cái cảm giác lãng đãng hoài cổ khó giải thích, đắm mình trong cái cảm giác giản dị mà chân thật, trong từng trang sách cổ.

Dạo quanh những kệ sách cũ, bạn dễ dàng nhận ra những trang giấy đã ố màu theo thời gian. Có những quyển sách cũ, đã xuất bản từ lâu, cũng chẳng còn nguyên trạng, đã nhàu nát với thời gian, nhưng lại là mục tiêu săn lùng của những con người mê sách. Đừng nghĩ chỉ có các nhà bác học hay sử gia nghiên cứu mới đi tìm mua sách cổ, người trẻ cũng say mê lục lọi tìm kiếm những áng văn bất hủ, những quyển sách quý báu. Săn sách cổ đòi hỏi bạn phải bỏ chút thời gian, nhất là phải tâm hồn yêu sách. Các tay săn sách cổ trẻ tuổi thường phải cất công tìm kiếm nhiều ngày, lục tung nhiều tiệm sách mới tìm được quyển sách mình ưng ý. Bởi sách cũ vẫn tồn tại mãi với thời gian, nó gắn kết giữa tri thức và văn hóa, giữa đọc giả và tác giả.

Nếu bạn còn trẻ, ham mê tiểu thuyết, thật thú vị biết bao khi tìm thấy những cuốn “Hoa đỏ, hoa niên, hoa tím…” nằm ở một góc nhỏ kệ sách già nua, mà bên ngoài trang bìa còn nguyên ngày tháng mua, lời đề tặng của những chủ cũ, cả những dòng chú giải hay tâm trạng của người đọc trước. Cuốn sách như có hồn của thời gian, của lịch sử, của một nền văn hoá xưa kia để lại.

Thật là thiếu sót khi nói về sách xưa mà ta không đề cập đến văn hóa đọc. Văn hóa đọc đang là câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm. Có không ít người đã liên hệ chuyện đọc sách của các cụ thời xưa với văn hóa đọc thời nay, để biết xưa sao, nay thế nào, mà ngán ngẩm cùng trăn trở. Người đọc sách thì ít, mà kẻ lướt web thì nhiều. Có người mua sách chỉ để trưng bày cho ra vẻ dân trí thức, còn đọc trên mạng, đọc “xổi”, đọc “gạo” (đọc để thi, để hoàn tất một chứng chỉ, để làm xong một việc nhất thời nào đó rồi… bỏ) như TS. Phạm Văn Tình đã nói. Chỉ với chiếc điện thoại nhỏ gọn hoặc chiếc máy tính bảng là họ có thể tìm thấy bất kỳ một quyển sách, một đề tài mà họ mong muốn. Thỉnh thoảng, tôi nghe ông tôi lắc đầu tiếc rẻ: “Nhớ hồi xưa mà thèm, cuốn sách người ta đọc tới nhàu nát, đến nỗi phải nhắc bảo nhau “Giấy rách phải giữ lấy lề”; còn bây giờ, sách cứ dày cộp, bìa cứng đẹp, mà mười năm còn mới tinh trong tủ. Đâu còn cái thú lật từng trang sách nghe sột soạt, từng con chữ có hồn như cùng ta tâm sự!”

Cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta làm gì cũng vội. Ăn vội, làm vội, yêu vội. Và dĩ nhiên cũng… đọc vội. Bởi thế, đôi khi họ chẳng biết mình đang đọc gì, đọc để làm gì, tiếp thu gì vào trí não! Cứ nhồi nhét đủ thứ hầm bà lằng mà chẳng biết có bổ ích gì cho tâm hồn không.

Có người nói rằng:“Những trang sách ứng với các trang đời, có đời rồi mới có sách. Sách không phải để trưng bày, càng không phải sinh ra cho bụi bặm của thời gian và mạng nhện của cuộc đời giăng kín”. Sách được sinh ra là để đọc. Muốn đọc đúng, đẹp và đạt thì trước hết phải ham đọc. Nếu ta đọc để giải trí thì đó là một sở thích, nhưng muốn có kiến thức, muốn thành tài thì đọc sách lại là một công việc cần sự kiên trì. Vì phải “nghiền ngẫm, suy tư” rất nhiều, ta mới mở ra được những tầng lớp nghĩa trong mỗi con chữ, đào sâu được những tri thức để sau đó “thẩm thấu”, và biến thành tri thức riêng mình.

Nghe ông tôi kể, hồi xưa sách rất hiếm, không có phong phú như bây giờ. Chủ yếu là các tiểu thuyết Trung Quốc (Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du ký…) viết theo lối chương hồi, rồi truyện thơ Việt Nam (Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều truyện, U tình lục…), truyện dân gian Việt Nam diễn bằng văn vần (Thoại Khanh - Châu Tuấn, Chàng Nhái - Kiểng Tiên…) hay những tiểu thuyết Việt Nam viết những chuyện diễm tình mà duyên nợ éo le, không thành, khiến ai đọc cũng động mối thương tâm như: Giọt máu chung tình (Tân Vân Tử), Tố Tâm (Song An Hoàng Ngọc Phách), Bên dòng sông Trẹm (Dương Hà)… Bởi thế, khi cầm được quyển sách trên tay, người ta “ngấu nghiến” đọc, đọc rồi lại ngẫm”, hoặc gối đầu giường để nuôi dưỡng ước mơ, ý chí hay chợt thấy bóng dáng mình đâu đó trong những trang sách.

Chẳng có gì lạ khi ta chợt nghe một bà lão tóc đã bạc vẫn còn “lẩy Kiều”, hay những cụ ông trước dăm ba chén trà trải chiếu trước sân vẫn ngâm nga: “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Vì văn hóa đọc đã có từ rất xưa, thời cha mẹ nhắc nhở con cái miệt mài “đèn sách”, cuốn sách vẫn đêm đêm mở trước ngọn đèn dầu nửa tỏ nửa mờ. Thời mà người ta còn để trái tim rung cảm trước vẻ đẹp trong sách: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng; Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”... Để rồi từng câu, từng chữ trong sách thấm nhuần tâm hồn, khiến họ biết yêu quê hương, đất nước hơn; biết những đạo lý tưởng chừng như đơn giản nhất: “chữ hiếu” hay “Thương người như thể thương thân” mà trong xã hội ngày nay đã phai nhạt đi ít nhiều trong lòng người.

Nguyễn Du đã từng viết: “Cảo thơm lần giở trước đèn. Phong tình có lục còn truyền sử xanh”. Một người như Tố Như mà phải lần giở những trang sách hay đủ chứng tỏ việc đọc sách khó đến mức nào!

Thế nhưng, cái thời mà sách trở nên đa dạng hơn với sự giúp đỡ của công nghệ, chỉ một máy tính nối mạng hoặc thiết bị đọc sách điện tử cầm tay, đã chứa tới hàng nghìn cuốn sách khiến cho giới trẻ không còn mặn mà gì đến việc mua sách để đọc nữa. Người ta chỉ quan tâm đến những dòng “tít” giật gân, những tin tức nóng hổi được cập nhật trên báo chí; và lối sống thực dụng của con người hiện đại đã làm phai nhòa đi niềm yêu thích văn chương. Với một lớp người trẻ sử dụng ngoại ngữ không kém tiếng mẹ đẻ, ăn uống cũng tìm đến Macdonal để tiết kiệm thời gian thì không biết họ có yêu sách và có thời gian đọc sách không?

Bao giờ giới trẻ trí thức biết lần giở những câu ca dao, hay những câu ngâm, vịnh, bình của truyện Kiều những lúc rảnh rỗi thay vì những ca từ nhạc trẻ, để ta một lần trở về cái thời rung động trước những lời thơ giản dị, mộc mạc, làm nên bản sắc văn hóa Việt.

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu”.

(Tố Hữu)

Hoặc Chế Lan Viên:

“Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.

Nguyễn Khắc Thư



(Theo chuongtrinhchuyende.com)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Cho phép mình sướng [31.03.2019 17:17]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số