NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

THIÊN CHÚA-Ba Ngôi, Mầu nhiệm Tình yêu (2)
25.05.2013 09:43

THIÊN CHÚA-Ba Ngôi, Mầu nhiệm Tình yêu (2)

 (tiếp theo)

III. THIÊN CHÚA-BA NGÔI, MẦU NHIỆM TÌNH YÊU 

Ở đây, có hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau cần được đề cập tới :

- Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa hay giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần với nhau;

- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và các Thụ Tạo.

III. A. Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần với nhau

Đã hẳn, vẫn có nhiều con đường, nhiều cách thức để tiếp cận với vấn đề nầy, tuy nhiên, ở đây, vì nhiều lý do, chúng tôi mạn phép đề nghị hai lối tiếp cận mà thôi :

1. Tiếp cận qua ngôn ngữ Kinh Thánh;

2. Tiếp cận qua ngôn ngữ thần học.

III. A.1 Tiếp cận qua ngôn ngữ Kinh Thánh

So với ngôn ngữ của các công đồng NIXÊ và NIXÊ-CONTANTINÔP, ngôn ngữ thần học cổ điển và kinh viện về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, vốn trừu tượng, cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu sức sống, thì ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt TƯ, cụ thể, sinh động, tươi mát và phong phú hơn nhiều. 

III .A.1.a- Đức Giêsu-Kitô “thể hiện” tương quan của Ngài với Chúa Cha  

a- Trực tiếp (tương quan với nhau giữa các chủ thể [Sujets], hoặc như là chủ vị [“Je” = “I”] hoặc như là đối vị [“Tu” = “You”]) :

a.1- “Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mặc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha’.” (Mt 11, 25-26).

a.2- “Tiến xa  thêm ít bước, Đức Giêsu sấp mặt xuống mà cầu nguyện rằng : ‘Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén nầy qua đi khỏi Con ! Song không phải như ý con, mà là như ý Cha ‘!” (Mt 26, 39.42).

a.3- “Đức Giêsu nói : ‘Bố ơi, Bố có thể làm mọi sự, xin cất chén nầy đi khỏi Con; nhưng không phải : Con muốn gì mà là Bố muốn gì’ !” (Mc 14, 36).

a.4- “Kêu lớn tiếng, Đức Giêsu nói : ‘Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha’.” (Lc 23, 46).

a.5- “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha !” (Ga 12, 28a; 17, 1-26). 

b- Gián tiếp (tương quan không trực diện giữa các chủ thể [sujets] với nhau, hay giữa chủ vị [“Je” = “I”] với tha vị [“Lui” hay “Il = “He”], và thường là qua trung gian đối vị [“Tu” = “You”]) :

b.1- “Đáp lại, Đức Giêsu nói với Simôn Phêrô : ‘Simôn, Baryôna, ngươi có phúc : vì không phải thịt máu đã mặc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời’ !” (Mt 16, 17).

b.2- “Và nầy Ta sắp sai đến trên các ngươi điều Cha Ta đã hứa !” (Lc 24, 49a).

b.3- “Cha, Đấng đã sai Ta, chính Ngài làm chứng cho Ta.” (Ga 5, 37a).

b.4- “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10, 30).

III. A.1.b- Chúa Cha và Chúa Thánh Thần mặc khải cho thấy tương quan của Chúa Cha với Đức Giêsu-Kitô 

Vừa lên khỏi nước, Đức Giêsu thấy trời xé ra và Thần Khí, như chim bồ câu, đáp xuống trên Ngài; và một tiếng phát ra tự trời : ‘Con là Con chí ái của Ta, người mà Ta sủng ái’.” (Mc 1, 10-11; xem thêm Mt 3, 16-17; Lc 3, 21-22).

III. A.1.c- Tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần  

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, CƯ cũng như TƯ, Chúa Thánh Thần, dù đã hẳn là Một Chủ Thể (Sujet), nhưng hầu như không bao giờ được coi như là Chủ Vị (“Je” = “I”) hay như Đối Vị (“Tu” = “You”), mà thường là như Tha Vị (“Il”, “Lui” = “He”) hay như Liên Chủ Vị (“Nous” = “We”).

Thật vậy, CƯ cũng như TƯ vẫn thường nói về Thánh Thần hay Thần Khí như là Thánh Thần hay Thần Khí “của” Ai đó (của Đức Chúa, của Chúa Cha, hay của Chúa Con, hay của Cha  và của Con [“Le Nôtre” = “Our”]) :

Thần Khí của ĐỨC CHÚA sẽ đậu xuống trên Ngài.” (Is 11, 2; 61, 1; 63, 14).

Trời mở ra, và Đức Giêsu thấy Thần Khí của Thiên Chúa.” (Mt 3, 16; 12, 28).

Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài.” (Rm 8, 9).

Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một” (Ga 10, 30).

TƯ cho biết Thánh Thần hay Thần Khí có nguồn gốc từ Chúa Cha và Chúa Con, vì thế, được sai đi bởi cả Chúa Cha và Chúa Con, vốn như là Một (xem Ga 10, 30) :

Khi Đấng Bàu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta.” (Ga 15, 26).

Tuy nhiên, TƯ cũng cho biết rằng việc Đức Giêsu-Kitô sở đắc Thần Khí của Thiên Chúa cũng phải kinh qua một quá trình, quá trình của Thập Giá (chết và Phục sinh) :

Điều ấy, Đức Giêsu nói về Thần Khí mà các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh.” (Ga 7, 39).

Trong suốt quá trình sở đắc nầy, Thần Khí của Thiên Chúa luôn hiện diện trong toàn bộ hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô, trong cùng lúc vừa như là Nguyên Lý, vừa như là Trung Gian, vừa như là Cùng Đích. Thần Khí của Thiên Chúa hiện diện ngay từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng của Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu-Kitô :

Đáp lại, thiên thần nói với Đức Maria : ‘Thánh Thần sẽ đến trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa’ !” (Lc 1, 35).

Xảy ra là trong khi toàn dân chịu thanh tẩy, và Đức Giêsu cũng chịu thanh tẩy và đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim bồ câu đáp xuống trên Ngài, và tự trời một tiếng phát ra : Con là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng ái.” (Lc 3, 21-22).

Đức Giêsu, đầy tràn Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Giođan và được Thần Khí đưa vào sa mạc, mà chịu ma quỉ cám dỗ bốn mươi ngày.” (Lc 4, 1-2a).

Đức Giêsu trở về trong quyền năng của Thần Khí và tiếng tăm Ngài lan ra khắp cả vùng chung quanh.” (Lc 4, 14).

Ngày ấy, hân hoan trong Thánh Thần, Đức Giêsu nói : ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan, thông thái, mà đã mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha’. !” (Lc 10, 21).

Vì kẻ Thiên Chúa sai, thì nói được lời của Thiên Chúa, bởi không phải theo lường hạn mà (Ngài) ban Thần Khí cho.” (Ga 3, 34).

Song khi nào Ngài đến, vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật.” (Ga 16, 13a; đối chiếu với Ga 14, 6a).

Đoạn gục đầu xuống, Đức Giêsu giao nộp Thần Khí (cho Cha).” (Ga 19, 30b).

Nói thế rồi, Đức Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và nói với họ : ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ’ !” (Ga 20, 22-23).

Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Mt 28, 19). 

III. A.2- Tiếp cận qua ngôn ngữ thần học 

Chúng tôi sẽ tiến hành nỗ lực suy tư thần học của mình về Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi khởi đi từ hai hướng :

1- Từ Ga 10, 30 : “Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một” (TOB : “Moi et le Père, Nous sommes un.”);

2- Từ 1 Ga 4, 8b : “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

III. A.2.a- Tiếp cận qua lăng kính Ga 10, 30: “Tôi và Cha, Chúng tôi là Một.”

So với công thức cổ điển “Một yếu tính (hay một bản tính, một bản thể), ba Ngôi Vị”, vốn hoàn toàn trừu tượng, cứng ngắc, thiếu sức sống, vô hồn, theo thiển ý, Ga 10, 30 sẽ là một công thức phản ảnh tuyệt vời hơn nhiều, cụ thể hơn nhiều, và mang tính hiện sinh hơn nhiều…

Thật vậy, nơi Ga 10, 30, ngay từ đầu, đã cho thấy “ba Ngôi Vị” đó là Ai và là gì, và đã để lộ cho thấy những tương quan cụ thể giữa các Ngài với nhau, và cung cách mà các Ngài là “Một”…

III. A.2.a.a- Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba Chủ Thể phân biệt (trois Sujets distincts)  

Khi nói Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba Chủ Thể phân biệt không có nghĩa các Ngài là ba Cá Thể khác nhau (trois Individus distincts). Cá thể (individu) là hữu thể có xác thể, vừa không thể chia cắt mình ra được, vừa không thể chung đụng với bản thể của bất kỳ một cá thể nào khác được. Trong khi Chủ Thể, trong tương quan liên chủ thể, vốn luôn được định vị hoặc như là “chủ vị” (“Je” = “I”) hoặc như là “đối vị” (“Tu” = “You”), hoặc như là “tha vị” (“Il” = “He”), hoặc như là “liên chủ vị” (“Nous” = “We”), và có thể chuyển hoán vị trí cho nhau. Và trong khi Cá thể chỉ có thể tồn tại nếu có xác thể, còn Chủ thể có thể tồn tại mà không cần xác thể, như được phản ảnh trong Lc 23, 43 : “Và Đức Giêsu nói với người trộm lành : ‘Quả thật, Ta bảo ngươi : hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta’ !”. Thật vậy, làm sao mà “hôm nay” “ngươi” (“Tu” = “You”) và “Ta” (“Je” = “I”) ở trên thiên đàng được, khi mà cả người trộm lành “hôm nay” (ngày thứ Sáu Tuần Thánh) chết, và theo giáo lý của Giáo Hội dạy, thì xác chỉ sống lại trong ngày tận thế mà thôi (!), và cả chính Đức Giêsu cũng chỉ sống lại vào ngày Chúa Nhật mà thôi (!), nếu không phải các Chủ thể nầy có thể tồn tại mà không cần xác thể ?

III. A.2.a.b- Các tương quan cụ thể giữa các Chủ thể với nhau

Ga 10,30 còn cho thấy không phải các tương quan (relations) tạo ra các Chủ Thể (hay các Ngôi Vị), mà ngược lại chính các Chủ Thể (hay các Ngôi Vị) mới tạo ra các tương quan, các tương quan tình yêu tuyệt vời giữa các Ngài với nhau.

Thật vậy, khi khẳng định “Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một” (Ga 10, 30), Đức Giêsu, trước tiên, hé lộ cho thấy Thiên Chúa là Cha của Ngài và Ngài là Con của Chúa Cha, và như vậy, tương quan giữa hai Chủ thể nầy là Cha-Con (Phụ-Tử); thứ đến, cho thấy Đấng mà trong Ngài Cha và Con tương ngụ và tương tại trong nhau như “Một”, là Chủ Thể liên vị (le Sujet Inter-subjectif) mà Ga 10, 30 gọi cách tuyệt vời là [Le “Nous sommes”] (hay trong Anh ngữ là [The “We are”]), bởi vì trong [Le “Nous sommes” = The “We are”], có cả [Le “Je suis” = The “I am”], có cả [Le “Tu es” = The “You are”] và có cả [Le “Il est” = The “He is”], và trong ngôn ngữ Kinh Thánh gọi Ngài là Chúa Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa, hay Thần Khí của Cha, hay Thần Khí của Con. Đây là những danh xưng làm vang vọng lại danh xưng của Thiên Chúa trong Xh 3, 14 : “Ta LÀ” (“JE SUIS” = “I AM”); hay nói cách khác, Thiên Chúa tự gọi mình : TA LÀ CHA, TA LÀ CON, TA LÀ THÁNH THẦN; hoặc CHÚNG TA LÀ CHA, và LÀ CON, và LÀ THÁNH THẦN…

Và điều làm cho các Ngài hằng luôn là “Một” (“Un”) đó là tương quan tình yêu giữa các Ngài với nhau, bởi vì chỉ có tình yêu mới làm cho người ta hằng luôn là “một” được, nhờ hằng luôn hiện hữu và hiện diện đối với nhau, và trong nhau, hằng luôn tương ngụ (inhabitation réciproque) và tương tại (circumincessio) trong nhau. Tương quan trong Ga 10, 30, như vậy, là những tương quan mang tính năng động, cụ thể, và sinh động hơn rất nhiều so với quan niệm về tương quan của thần học cổ điển và kinh viện :

- “Ngươi không tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ?” (Ga 14, 10a.20).

- “…Để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta là một.” (Ga 17, 21-22).

TƯ còn chứng tỏ cho thấy những tương quan nầy không đơn giản chỉ là những gì như thuộc về cấu trúc hữu thể học thôi, mà còn được sống và được thể hiện qua những hành động biểu lộ tình yêu tuyệt vời giữa các Ngài với nhau.

III.A.2.a.c- Cung cách mà ba Chủ Thể Thiên Chúa là “Một” :

Trước tiên, cần lưu ý rằng việc Ga 10, 30 sử dụng động từ “être” (= “to be”) ở thì hiện tại số nhiều và ở ngôi thứ nhất trong “Nous sommes Un” (“Chúng Tôi là Một”) hàm chứa rất nhiều nội hàm ý nghĩa thần học quan trọng : 

1- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “là”: khi sử dụng “Nous sommes Un”, Ga 10, 30 cho thấy tương quan giữa Ba Đấng (Ba Chủ Thể) hằng luôn là một, trong thực tại nội thân (Réalité immanente), cũng như trong Kế đồ siêu độ Thụ tạo diễn ra trong lịch sử (Réalité économique) : “Ai thấy Ta là đã thấy Cha.” (Ga 14, 9). Đây là điều hết sức quan trọng về mặt thần học, đặc biệt thần học tín lý. Và đó cũng chính là điều mà nhà thần học Dòng Tên nổi tiếng Karl Rhaner phản ảnh trong tiền đề thời danh của ngài : “La Trinité économique est la Trinité immanente, et réciproquement.” (“Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi trong lịch sử siêu độ Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi tự nội thân, và ngược lại.”) [9]. Điều đó có nghĩa rằng Đức Giêsu-Kitô, dù trong thân phận tự hủy (trong suốt hiện sinh trần thế của Ngài, kể cả nơi biến cố Thập Giá [sự chết và sự Phục sinh của Ngài], vẫn hằng luôn là Thiên Chúa, hằng luôn “ở trong” và “ở với” Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (Ep 2, 6-11); hay nói theo ngôn ngữ sách Khải Huyền, Ngài vẫn “là Anpha và là Ômêga, là Khởi nguyên và là Cùng tận” (Kh 21, 6a)… 

2- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “có” : 

Bởi vì các Ngài hằng luôn là Một vì hằng luôn ở trong nhau, nên tất cả những gì mỗi Đấng có đều là của chung, của chúng ta (“le Nôtre”) :

- “Cha yêu mến Con, và đã ban cho Con mọi sự trong tay.” (Ga 3, 35).

- “Vì Cha không xử án ai, nhưng mọi việc xử án, Cha đã ban cho Con. Ngõ hầu hết thảy phải tôn kính Con, như họ tôn kính Cha.” (Ga 5, 22-23).

- “Biết rằng Cha đã ban cho mình mọi sự trong tay, và  rằng mình đã xuất tự Thiên Chúa, và đang đi về cùng Thiên Chúa, thì trong bữa tối ấy…” (Ga 13, 3-4a).

- “Mọi sự Cha có, hết thảy là của Ta. Vì thế mà Ta đã nói : Thần Khí sự thật lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi.” (Ga 16, 15). 

3- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “nói” và “làm”:

Bởi vì cả Ba Đấng hằng luôn là Một vì hằng luôn ở trong nhau, nên tất cả những gì các Ngài nói và làm đều là của nhau, và thuộc về nhau :

- “Vậy, Đức Giêsu nói : ‘Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết : TA LÀ, và tự Ta, Ta không làm gì ; nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy.” (Ga 8, 28).

- “Phần Ta, những gì Ta đã thấy nơi Cha Ta, thì Ta nói ra…” (Ga 8, 38a).

- “Vậy Đức Giêsu đáp lại và nói với họ : ‘Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm : vì điều gì Cha làm, thì Con cũng làm như vậy.” (Ga 5, 19).

- “…Vậy các điều Ta nói, thì như Cha đã nói với Ta sao, Ta cũng nói vậy.” (Ga 12, 50b).

- “Ngươi không tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ? Các lời Ta nói với các ngươi không phải tự Ta mà Ta nói ra, nhưng chính Cha, Đấng ở trong Ta, hằng làm công việc của Ngài.” (Ga 14, 10).

- “Nhưng để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy…” (Ga 14, 31).

- “…Vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết.” (Ga 15, 15c). 

4- Là “Một”, tất cả những gì Ba Đấng “trao ban”:

Bởi vì các Ngài hằng luôn là Một vì hằng luôn ở trong nhau, nên khi một Đấng được trao ban có nghĩa là cả Ba Đấng đều được trao ban :

- “Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến đỗi đã thí ban Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Con thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống vĩnh hằng.” (Ga 3, 16).

- “Đức Giêsu đáp lại họ : ‘Nay các ngươi tin ư ? Này giờ sẽ đến – và đã đến rồi – các ngươi sẽ phân tán, mỗi người mỗi ngã, mà để mặc Ta một mình. Nhưng không ! Ta không chỉ có một mình, vì đã có Cha ở với Ta’.” (Ga 16, 31-32).

- “…Để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta là một.” (Ga 17, 21-22).

- “Đức Giêsu, đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Giođan và được Thần Khí đưa vào sa mạc…” (Lc 4, 1).

- “Nói thế rồi, Đức Giêsu-Kitô thổi hơi trên họ và nói với họ : ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 22).

- “Nguyện xin Đức Giêsu-Kitô là Ân Sủng, Chúa Cha là tình yêu và Chúa Thánh Thần là sự thông hiệp ở cùng tất cả anh chị em.” (2 Cr  13, 13). 

III. A.2.b- Tiếp cận qua lăng kính 1 Ga 4, 8b : “Thiên Chúa là Tình Yêu” 

Khi khẳng định “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8b), tất nhiên cũng phải khẳng định có những đối tác trong tình yêu (“partenaires”), nghĩa là khi nói Thiên Chúa yêu thì phải hiểu là Ngài yêu “Ai đó”, chứ chẳng lẽ Ngài lại tự yêu mình ! Và, “Ai đó”, để đáp lại tình yêu nầy, yêu lại Ngài. Và đó là nguồn gốc của hành vi “sinh con” ở nơi Thiên Chúa, như, cách gián tiếp, được phản ảnh trong :

-  1 Ga 4, 7 : “Anh em thân mến, ta hãy yêu mến nhau, vì lòng mến phát tự Thiên Chúa, và phàm ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa.”

-  1 Ga 5, 1 : “Phàm ai tin Giêsu là Đức Kitô, thì đã sinh bởi Thiên Chúa; và phàm ai yêu mến Thiên Chúa là Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến Đấng đã được Thiên Chúa sinh thành.”.

“Trong vĩnh hằng” [10], Thiên Chúa yêu sinh ra “Ai đó”, và trong tương quan tình yêu với “Ai đó” được sinh ra,  Thiên Chúa trở nên Chủ Thể (Sujet) và Chủ Vị (Je = I), và “Ai đó” được sinh ra, vốn là Chủ Thể (Sujet), nhưng là “Đối Vị” (Tu = You) trong tương quan với Đấng sinh thành; và tương quan tình yêu vĩnh hằng diễn ra (giữa Je và Tu) khi Đấng sinh thành gọi Đấng được sinh ra là Con, tức là tự khẳng định mình là Cha; và Đấng được sinh ra âu yếm gọi Đấng sinh ra mình là Cha, tức là tự khẳng định mình là Con…

Và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim bồ câu, đáp xuống trên Đức Giêsu, và tự trời một tiếng phát ra : ‘Con là Con của Cha, hôm nay, Cha đã sinh ra Con’.” (Lc 3, 22).

Tuy nhiên, một tình yêu đích thực không bao giờ chỉ là một vòng tròn khép kín giữa hai đối tác thôi (giữa Je và Tu), mà còn phải mở ra về phía chân trời rộng lớn hơn, tương hợp hơn với khả năng yêu thương của các Ngài, vốn vô cùng vô tận, và đó là nguồn gốc của cái  “Chúng Tôi” hay “Chúng Ta” (“Nous = We”).

Ngôn ngữ Kinh Thánh thường gọi Thánh Thần là sự Thông Hiệp (CommUNI0N), là sự Hiệp Nhất (Unité), bởi vì trong cương vị là cái “Chúng Tôi” hay “Chúng Ta” (le Nôtre) của Cha và  của Con, Ngài chính là Chủ Thể Liên Vị (le Nous [Je+Tu+Il]).

Chính vì thế, hầu như không một chỗ nào trong Kinh Thánh, cho thấy Chúa Thánh Thần xử sự như một Chủ Vị (Je = I) hay như một Đối Vị (Tu = You), mà thường chỉ như là Tha Vị (Il = He, Lui). Thần Khí hiện diện khắp mọi nơi mà như không có mặt ở đâu cả. Ngài hoạt động không ngừng, mọi nơi mọi lúc, nhưng không ai nhận ra Ngài ở đâu cả, cũng như không mấy ai nhận ra được hành động của Ngài…

Đó chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã khẳng định trước những người Do Thái thời Ngài : “Tôi và Cha, Chúng Tôi là Một.” (Ga 10, 30).

Chính Chúa Thánh Thần (Spiratio passiva) là Đấng mà nơi Ngài Chúa Cha và Chúa Con xoắn xuýt với nhau (spiratio activa) nên Một; là Đấng mà nơi Ngài Chúa Con, dù tự hủy mình đi thành thân phận phàm nhân, vẫn hằng luôn liên kết với Cha trong tình yêu; là Đấng mà nơi Ngài diễn ra mọi công trình kỳ diệu của Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với các Thụ Tạo của Ngài… 

Lm. Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG

------------------------------

 [9] Karl Rahner, “Dieu trinité fondement transcendant de l’histoire du salut’, in Mysterium Salutis, II, vol. 6, chap. V, Paris, le Cerf 1971, p. 29.

Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số