NỐI KẾTTRUYỀN THÔNG

TRANG CHỦDIỄN ĐÀNLIÊN HỆ
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI GIA TRANG GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI




GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

PHIM KHÚC

Tham gia vào đời sống Giáo Hội

Tội lỗi & Thương xót | Tìm hiểu về Cựu Ước

HÌNH ẢNH

Đức Giêsu vị trạng sư của con người
24.04.2013 13:29

Đức Giêsu vị trạng sư của con người

    Bài giáo lý của Đức Giáo hoàng Phanxicô (17/04/2013)

'Chúng ta có một vị trạng sư luôn bảo vệ chúng ta, bảo vệ chúng ta tránh những cạm bẫy của ma quỷ, bảo vệ chống lại chính chúng ta, chống lại tội lỗi của chúng ta ! Anh chị em thân mến, chúng ta có vị trạng sư này, Đức Kitô', Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố trong bài giáo lý ngày thứ tư 17/04/2013 này.

Trong buổi tiếp kiến chung, trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích phải chạy đến với vị 'trạng sư' này : 'chúng ta đừng sợ đến với Ngài để xin được tha thứ, để xin Ngài chúc lành, xin lòng thương xót của Ngài ! Ngài luôn tha thứ cho chúng ta, ngài là trạng sư của chúng ta : ngài luôn tha thứ cho chúng ta ! Chúng ta đừng nên quên điều đó !'

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý

Anh chị em thân mến, xin chào !

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta thấy được sự khẳng định rằng 'Đức Giêsu đã lên Trời, ngự bên hữu Thiên Chúa'. Cuộc đời dưới thế của Đức Giêsu đạt đỉnh cao nhất là biến cố Thăng Thiên, khi Ngài vượt từ thế gian này lên với Cha Ngài và Ngài đã được nâng lên ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Biến cố này có ý nghĩa gì ? Hậu quả của nó đối với cuộc đời chúng ta như thế nào ? Chiêm ngắm Đức Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha có nghĩa là gì ? Chúng ta hãy để Thánh Sử Gia Luca hướng dẫn chúng ta về những câu hỏi này.

Chúng ta hãy khởi đi từ cái lúc Đức Giêsu quyết định thực hiện cuộc hành hương chót của Ngài lên Giêrusamem. Thánh Luca viết rằng : 'Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem' (Lc 9, 51).Trên đường 'đi lên' Thành Thánh, nơi Ngài sẽ thực hiện chuyến 'xuất hành' ra khỏi cuộc đời này, Đức Giêsu đã nhìn thấy rõ mục đích, trên Trời, nhưng Ngài cũng biết rõ rằng cuộc đời đưa Ngài về với vinh quang của Cha Ngài sẽ đi qua Thánh Giá, vâng theo dự kiến Thiên Chúa của tình yêu và nhân loại. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo khẳng định rằng 'Việc đưa lên thập giá mang ý nghĩa biểu hiện và báo trước việc 'đưa lên' trong mầu nhiệm Thăng Thiên' (số 662). Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải rõ ràng trong đầu, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, rằng đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa đòi hỏi sự trung thành hàng ngày với Thánh Ý Ngài, kể cả khi điều này đòi hỏi những hy sinh, hay đôi khi phải thay đổi các toan tính của chúng ta. Sự kiện Chúa Giêsu Lên Trời được thực hiện cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi mà Ngài đã lui ra để cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, để ở trong sự hợp nhất sâu sắc với Cha Ngài : một lần nữa, chúng ta thấy rằng cầu nguyện mang cho chúng ta ân sủng được sống trong sự trung thành với dự kiến của Thiên Chúa.

Ở cuối Tin Mừng của ngài, Thánh Luca kể về biến cố Thăng Thiên một cách tổng hợp. Đức Giêsu đã dẫn đưa các môn đệ của Ngài 'đến gần Bêtania, rồi dơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Ngài rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lại Ngài, rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa'. (Lc 24, 50-53) : đó là những gì Thánh Luca đã nói. Tôi muốn nêu lên hai yếu tố trong bài Tin Mừng của ngài. Trước hết, trong lúc Thăng Thiên, Đức Giêsu thực hiện cử chỉ tư tế ban phép lành và các môn đệ bày tỏ đức tin của họ bằng cách phủ phục, quỳ gối, cúi đầu. Điểm đầu tiên này là quan trọng : Đức Giêsu là tư tế duy nhất và vĩnh hằng, bằng cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài đã đi qua cái chết và mồ chôn, và đã sống lại và lên Trời; Ngài ở với Đức Chúa Cha, nơi đó, Ngài luôn chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9, 24). Như Thánh Gioan khẳng định trong Thư Thứ Nhất, Ngài là trạng sư của chúng ta : Thật quá đẹp khi nghe điều này ! Nếu một ai đó bị đưa ra tòa hay đi khiếu kiện, điều đầu tiên người này làm là đi tìm một luật sư để bảo vệ cho mình. Còn chúng ta, chúng ta đã có một trạng sư, luôn bảo vệ cho chúng ta, bảo vệ chúng ta chống lại cạm bẫy ma quỷ, bảo bệ chúng ta chống chính bản thân chúng ta, chống lại tội lỗi chúng ta ! Anh chị em thân mến, chúng ta có vị trạng sư đó : chúng ta đừng sợ đến với Ngài để xin được tha thứ, để xin Ngài chúc lành, xin lòng thương xót của Ngài ! Ngài luôn tha thứ cho chúng ta, ngài là trạng sư của chúng ta : ngài luôn tha thứ cho chúng ta ! Chúng ta đừng nên quên điều đó ! Sự kiện Đức Giêsu Thăng Thiên như thế đã cho chúng ta biết được chân lý này, chân lý mang tính an ủi biết bao cho con đường chúng ta đi : trong Đức Kitô, Thiên Chúa Thật và con người thật, tính phàm nhân của chúng ta đã được nâng lên gần với Thiên Chúa; Ngài đã mở ra lối đi cho chúng ta; cũng giống như người đi đầu của một chuỗi người leo núi, Ngài lên đến ngọn và Ngài dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa bằng cách kéo chúng ta lên với Ngài. Nếu chúng ta phó thác đời sống chúng ta cho Ngài, nếu chúng ta để Ngài dẫn dắt chúng ta, chúng ta chắc chắn nằm trong đôi bàn tay tối hảo, trong đôi bàn tay của Đấng Cứu Độ chúng ta, của Trạng Sư của chúng ta.

Một yếu tố thứ nhì : Thánh Luca nhắc lại rằng các Tông Đồ, sau khi chứng kiến Đức Giêsu lên trời, đã quay lại Giêrusalem 'lòng đầy hoan hỉ'. Điều này có vẻ lạ kỳ đối với chúng ta. Nói chung, khi chúng ta rời xa thân nhân, bè bạn, một cách vĩnh viễn và nhất là với lý do tử vong, chúng ta cảm thấy một nỗi buồn tự nhiên, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ thấy lại mặt họ, không bao giờ nghe được giọng nói của họ, không bao giờ được hưởng những trìu mến của họ, sự hiện diện của họ. Trái lại, Thánh Sử Gia nhấn mạnh đến sự vui mừng sâu sắc của các Tông Đồ. Thế là thế nào ? Đúng là vì, với cái nhìn đức tin, các ông hiểu rằng, dù rằng họ không còn trông thấy Đức Giêsu nữa, Ngài vẫn mãi mãi ở với các ông, Ngài không bỏ các ông và, trong vinh quang Đức Chúa Cha, Ngài nâng đỡ các ông, dẫn dắt các ông và chuyển cầu cho các ông.

Thánh Luca cũng còn kể về mầu nhiệm Thăng Thiên trong phần đầu của Tông Đồ Công Vụ để nhấn mạnh rằng biến cố này cũng như cái mắt xích nối liền đời sống trần thế của Đức Giêsu với đời sống của Giáo Hội. Thánh Luca cũng nói đến đám mây che khuất Chúa Giêsu khiến các môn đệ không còn thấy Chúa nữa, các ông vẫn còn đứng đó nhìn ngắm Đức Kitô cất mình lên với Thiên Chúa (x. Cv 1; 9-10). Lúc đó đã có hai người mặc áo trắng can thiệp, mời gọi các ông đừng đứng bất động ở đó mà đăm đăm nhìn lên trời, nhưng hãy nuôi dưỡng cuộc sống của mình và sự chứng kiến của mình bằng cách xác tín rằng Đức Giêsu sẽ ngự xuống y như các ông đã thấy Ngài cất mình lên trời (x. Cv 1, 10-11). Đây đúng là một lời mời gọi hãy đi từ uy quyền của Đức Kitô, để nhận lãnh từ Ngài sức mạnh mang theo Phúc Âm và làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta : nhìn ngắm và hành động, 'cầu nguyện và làm việc', như Thánh Biển Đức đã dạy, cả hai vế đều cần thiết cho đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Anh chị em thân mến, mầu nhiệm Thăng Thiên không biểu thị cho sự vắng mặt của Chúa Giêsu, mà nói với chúng ta rằng Ngài Hằng Sống giữa chúng ta một cách mới; Ngài không hiện diện tại một nơi chốn chính xác nào trên thế gian, như trước lúc Ngài Thăng Thiên; bây giờ Ngài ở trong uy quyền của Thiên Chúa, hiện diện ở khắp mọi nơi, trong hết mọi lúc, gần gũi với mỗi người chúng ta. Trong cuộc đời chúng ta, chúng ta không bao giờ cô đơn : Chúa chịu đóng đính và sống lại dẫn dắt chúng ta; cùng với chúng ta, có nhiều anh chị em, ẩn mình trong thinh lặng, trong cuộc sống gia đình và nghề nghiệp của họ, ở giữa những vấn đề và những khó khăn của họ, giữa những vui mừng và hy vọng của họ, đang hàng ngày sống đức tin của họ và mang đến cho thế gian, cùng với chúng ta, uy quyền của tình yêu Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu sống lại, lên trời, trạng sư của chúng ta. Cảm ơn !

Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Ban dịch tiếng Pháp : Hélène Ginabat
Bản dịch tiếng Việt : Mai Khôi
 


(Theo ghxhcg.com)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC:

 Lương tâm [12.01.2015 20:06]
 Linh mục, Người là ai? [22.04.2013 15:11]
BÀI MỚI NHẤT:

 Hòa Bình theo Kinh Thánh [02.07.2023 23:57]



Highslide JS
Sơ đồ đường đi đến giáo xứ Vườn Chuối
Bản quyền (c) 2010 thuộc về GIÁO XỨ VƯỜN CHUỐI
Địa chỉ: 199/40/6 Cách Mạng Tháng Tám , Phường 4, Quận 3, TP. HCM
Thiết kế web Ngôi Sao Số